Theo Y học cổ truyền |YHCT|: Bệnh thuộc phạm vi chứng Kiên Tý, gồm 3 thể là Kiên thống, Kiên ngưng và Hậu kiên phong.
1. Kiên thống (tương ứng với viêm quanh khớp vai đơn thuần của Y học hiện đại): đau là dấu hiệu chủ yếu, đau tăng khi vận động, đau làm hạn chế vận động một số động tác như: chải đầu, gãi lưng. Đau xung quanh khớp vai là chủ yếu, trời lạnh, ẩm đau tăng. Khớp vai không sưng, không đỏ, cơ không teo.
2. Kiên ngưng (tương ứng với VQKV thể nghẽn tắc, viêm cứng khớp vai của Y học hiện đại): thường gặp ở những bệnh nhân liệt nửa người, chấn thương sọ não, viêm màng não. Khớp vai đau ít hoặc không, chủ yếu là hạn chế vận động hầu hết các động tác, khớp như bị đông cứng lại, toàn thân và khớp vai gần như bình thường, nếu bị bệnh lâu ngày các cơ xung quanh khớp vai teo nhẹ.
3. Hậu kiên phong (tương ứng với thể hội chứng vai tay, loạn dưỡng phản xạ chi trên của Y học hiện đại): đây là một thể bệnh rất đặc biệt gồm viêm quanh khớp vai đông cứng và rối loạn thần kinh vận động ở bàn tay. Khớp vai đau, hạn chế vận động, bàn tay phù có khí lan lên cẳng tay, phù to, cứng, da cẳng tay, bàn tay có màu đỏ tía hoặc tím, da lạnh. Đau toàn bộ bàn tay, đau cả ngày đêm, cơ bàn tay teo rõ rệt, cơ lực giảm, vận động hạn chế, móng tay giòn, dễ gãy.
Theo Y học hiện đại |YHHĐ: Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai: gân, túi thanh dịch, bao khớp; không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…
TRIỆU CHỨNG
1. Đau khớp vai đơn thuần (viêm gân mạn tính)
- Đau vùng khớp vai thường xuất hiện sau vận động khớp vai quá mức, hoặc sau những vi chấn thương liên tiếp ở khớp vai. Đau kiểu cơ học. Đau tăng khi làm các động tác co cánh tay đối kháng.
- Ít hạn chế vận động khớp.
- Thường có điểm đau chói khi ấn tại điểm bám tận gân bó dài của gân cơ nhị đầu cánh tay (mặt trước của khớp vai, dưới mỏm quạ 1cm) hoặc gân trên gai (mỏm cùng vai).
- Đau vai cấp (viêm khớp vi tinh thể)
- Đau vai xuất hiện đột ngột với các tính chất dữ dội, đau gây mất ngủ, đau lan toàn bộ vai, lan lên cổ, lan xuống tay, đôi khi xuống tận bàn tay.
- Giảm vận động khớp vai nhiều thường có tư thế cánh tay sát vào thân, không thực hiện được các động tác vận động thụ động khớp vai, đặc biệt là động tác giạng (giả cứng khớp vai do đau).
- Vai sưng to nóng. Có thể thấy khối sưng bùng nhùng ở trước cánh tay tương ứng với túi thanh mạc bị viêm. Có thể có sốt nhẹ.
- Giả liệt khớp vai (đứt mũ gân cơ quay)
- Đau dữ dội kèm theo tiếng kêu răng rắc, có thể xuất hiện đám bầm tím ở phần trước trên cánh tay sau đó vài ngày.
- Đau kết hợp với hạn chế vận động rõ.
- Mất động tác nâng vai chủ động, trong khi vận động thụ động hoàn toàn bình thường, không có các dấu hiệu thần kinh. Nếu đứt bó dài gân nhị đầu khám thấy phần đứt cơ ở trước dưới cánh tay khi gấp có đối kháng cẳng tay.
- Cứng khớp vai (đông cứng khớp vai)
- Đau khớp vai kiểu cơ học, đôi khi đau về đêm.
- Hạn chế vận động khớp vai cả động tác chủ động và thụ động. Hạn chế các động tác, đặc biệt là động tác giạng và quay ngoài.
NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ
1. Nguyên nhân
Theo YHHĐ
- Thoái hóa gân do tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
- Nghề nghiệp lao động nặng có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay.
- Tập thể thao quá sức, chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
- Chấn thương vùng vai do ngã, trượt, tai nạn ô tô, xe máy.
- Một số bệnh lý khác (tim mạch, hô hấp, tiểu đường, K vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ).
Theo YHCT; do phong, hàn, thấp kết hợp với nhau, làm bế tắc kinh lạc gây ra. Giai đoạn đầu phong hàn thắng, bệnh nhân đau là chủ yếu (kiên thống); giai đoạn sau hàn thấp thắng, hạn chế vận động là chủ yếu (kiên ngưng). Lâu ngày các tà khí này làm tắc đường lưu thông khí huyết, khí huyết không đủ nuôi dưỡng cân cơ, gây ra thể lậu kiên phong.
2. Hậu quả: Đối với thể đau vai đơn thuần và đau vai cấp nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng đau dai dẳng và hạn chế vận động khớp vai, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và theo thời gian sẽ dẫn đến viêm quanh khớp vai thể đông cứng hoặc đứt gân.
ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH
1. Điều trị:
Điều trị không dùng thuốc VLTL – PHCN
- Các phương thức điều trị vật lý
- Nhiệt nóng tại chỗ: parafin , hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm để giảm đau, giãn cơ, chống viêm và giảm xơ dính.
- Điện phân dẫn thuốc để giảm đau, chống viêm ( Novocain, Salicilat….) – Điện xung để giảm đau.
- Châm cứu: châm tả Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Tý nhu, Cự cốt, Vân môn.
- Xoa bóp bấm huyệt chữa đau nhức mỏi mệt: dùng các thủ thuật xát, lăn, day, bóp, bấm, vờn, vận động, rung khớp vai.
- Thủy châm: vitamin B1, B6, B12, thuốc giảm đau non- steroid vào một số huyệt Kiên ngung, Thiên tông, Tý nhu
- Vận động trị liệu
- Kéo giãn và di động khớp nhằm làm tăng tầm vận động khớp.
- Tập chủ động với các dụng cụ: các bài tập với gậy, dây, thang tƣờng, ròng rọc nhằm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai.
- Bài tập Codman đong đưa khớp vai: bài tập này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.
- Hoạt động trị liệu
- Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có sử dụng tay như mặc áo quần, tắm rửa, chải tóc,…
Điều trị thuốc YHHĐ
- Thuốc giảm đau thông thường: acetaminophen 0,5g x 2-4 viên /24h; acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol 2-4 viên/ 24h.
- Thuốc chống viêm không steroid: Chỉ định một trong các thuốc sau:
+ Diclofenac 50mg x 2 viên/24h.
+ Piroxicam 20mg x 1 viên/24h.
+ Celecoxib 200mg x 1 – 2 viên/24h. - Tiêm corticoid tại chỗ áp dụng cho thể viêm khớp vai đơn thuần: methylprednisolon acetat 40mg; betamethason dipropionat 5mg hoặc betamethason sodium phosphat 2mg tiêm 1 lần duy nhất; sau 3-6 tháng có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân đau trở lại. Tránh tiêm corticoid ở bệnh nhân có đứt gân bán phần do thoái hóa. Tiêm corticoid ở bệnh nhân này có thể dẫn đến hoại tử gân và gây đứt gân hoàn toàn. Nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm:
+ Glucosamin sulfat: 1500mg x 1gói/24h.
+ Diacerein 50mg: 01-02 viên mỗi ngày. Có thể duy trì 3 tháng.
Điều trị thuốc YHCT
Kiên thống
- Pháp điều trị: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết.
- Bài thuốc: Quyên tý thang gia giảm
Kiên ngưng
- Pháp điều trị: Hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc.
- Bài thuốc: Quyên tý thang gia vị
Hậu kiên phong
- Pháp điều trị: Bổ khí huyết, hoạt huyết tiêu ứ.
- Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia vị
Ngoại khoa
- Chỉ định với thể giả liệt, đặc biệt ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương. Phẫu thuật nối gân bị đứt. Ở người lớn tuổi, đứt gân do thoái hóa, chỉ định ngoại khoa cần thận trọng.
Phòng bệnh
- Tránh lao động quá mức, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai;
- Tránh các chấn thương ở vùng khớp vai;
- Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp đau vai đơn thuần và đau vai cấp.