1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, được coi là một bệnh tự miễn quan trọng thứ hai trong nhóm các loại bệnh tự miễn (sau bệnh lupus đỏ hệ thống) và là bệnh quan trọng nhất trong nhóm bệnh khớp do thấp.
2. Quan niệm bệnh theo y học cổ truyền: Triệu chứng bệnh lý của Viêm khớp dạng thấp theo YHHĐ nêu trên cũng được mô tả trong phạm vi các chứng Tý của YHCT.
Chứng tý là một trong những chứng chủ yếu của YHCTC, tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông. Tý vừa được dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh như là tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở da thịt, khớp xương; vừa được dùng để diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.
TRIỆU CHỨNG
1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Đa số trường hợp bệnh bắt đầu từ từ tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, ra mồ hôi nhiều, rối loạn vận mạch, đau nhức và khó cử động ở khớp khi ngủ dậy. Giai đoạn này có thể dài hàng tuần, hàng tháng.
Biểu hiện ở tại khớp
Giai đoạn bắt đầu:
- Vị trí ban đầu: 2/3 trường hợp bắt đầu bặng viêm một khớp, trong đó 1/3 bắt đầu bằng viêm một trong các khớp nhỏ ở bàn tay (cổ tay, bàn ngón, đốt ngón gần); 1/3 khớp gối và 1/3 các khớp còn lại.
- Tính chất: sưng đau rõ, ngón tay hình thoi, dấu hiện cứng khớp buổi sáng thấy từ 10 – 20%. Bệnh diễn tiến kéo dài đến vài tuần, vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn rõ rệt.
Giai đoạn toàn phát:
- Vị trí khớp viêm: bàn tay 90%, cổ tay 90%, khớp đốt ngón gần 80%, bàn ngón 70%, khớp gối 90%, bàn chân 70%, cổ chân 70%, ngón chân 60%, khớp khuỷu 60%, các khớp khác (háng, cột sống, hàm, ức đòn) hiếm gặp và thường xuất hiện muộn.
- Tính chất viêm: đối xứng 95%, sưng đau và hạn chế vận động, ít nóng đỏ, có thể có nước ở khớp gối, có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng, đau tăng nhiều về đêm (gần sáng). Các ngón tay hình thoi nhất là các ngón 2, 3, 4.
- Diễn biến: các khớp viêm tiến triển tăng dần và nặng dần, phát hiện thêm các khớp khác. Các khớp viêm dần dẫn đến tình trạng dính và biến dạng, bàn ngón tay dính và biến dạng ở tư thế nửa co và lệch trục về phía trụ, khớp gối dính ở tư thế nửa co.
Triệu chứng toàn thân và ngoài khớp
- Toàn thân: gầy sút, mệt mỏi, ăn kém, da xanh nhợt do thiếu máu, rối loạn Thần kinh thực vật.
- “nốt thấp” ở da và mô dưới da. Đó là những hạt hay cục nổi lên khỏi mặt da, chắc, không đau, không di động và dính vào nền xương ở dưới, kích thước từ 5mm đến 20mm đường kính. Vị trí hay gặp nhất là trên xương trụ ở gần khớp khuỷu, hoặc trên xương chày ở gần khớp gối, hoặc lưng ngón tay; mặt sau da đầu; các nơi xương lồi dưới da, số lượng từ một đến vài hạt. Viêm gân: hay gặp viêm gân achille.
- Bao khớp: có thể phình ra thành các kén hoạt dịch như ở vùng khoeo.
- Nội tạng: rất hiếm gặp trên lâm sàng.
- Tim: có thể có dấu chứng viêm màng ngoài tim.
- Phổi: có thể có dấu chứng thâm nhiễm hay tràn dịch, xơ phế nang.
- Hạch: hạch nổi to và đau ở mặt trong cánh tay.
- Xương: mất vôi, gẫy xương tự nhiên.
- Thận: amyloid có thể xảy ra ở bệnh nhân bệnh đã tiến triển lâu ngày và có thể dẫn tới suy thận.
- Thần kinh: có thể bị viêm đa dây Thần kinh ngoại biên.
- Mắt, chuyển hóa: viêm giác mạc, viêm mống mắt thể mi; thiếu máu nhược sắc.
2. Theo quan niệm Y học cổ truyền |YHCT|:
- Viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp tính: các khớp sưng nóng đỏ đau (đối xứng), cự án, ngày nhẹ đêm nặng, co duỗi cử động khó khăn, sốt, ra mồ hôi, sợ gió, rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, mạch hoạt sác;
- Viêm khớp dạng thấp đợt mạn tính: Các khớp còn sưng đau nhưng hết đỏ, hết sốt, dính khớp, cứng khớp; hoặc biến dạng, teo cơ;
- Viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm;
- Thể phong tý: Đau nhiều khớp, đau di chuyển từ khớp này sang khớp khác, sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch phù;
- Thể hàn tý; Đau dữ dội ở một khớp cố định, không lan, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau, tay chân lạnh, sợ lạnh rêu trắng, mạch huyền khẩn hoặc nhu hoãn;
- Thể thấp tý: Các khớp nhức mỏi, đau một chỗ cố định, tê bì, đau các cơ có tính cách trì nặng xuống, co rút lại, vận động khó khăn, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoãn.
NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân theo Y học hiện đại |YHHĐ|
Một số giả thuyết về nguyên nhân
- Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, có nhiều giả thiết được đưa ra mặc dù đã tìm được sự hiện diện của nhóm kháng thể kháng globulin miễn dịch ở trong huyết thanh cũng như trong dịch khớp của người bệnh mà gọi chung là nhân tố thấp.
- Kháng thể có thể là: IgM anti IgG, IgG anti IgG, IgA anti IgG. Các kháng thể này tự nó không đủ giải thích các tổn thương bệnh học. Cũng vì vẫn chưa giải thích được lý do sản xuất và hiện diện của nhân tố thấp nên người ta xếp viêm khớp dạng thấp vào loại bệnh tự miễn với sự tham gia của nhiều nhân tố.
Các yếu tố tham gia
- Yếu tố cơ địa: bệnh có liên quan rõ đến giới tính và lứa tuổi (Bệnh hay gặp ở nữ giới trung tuối)
- Yếu tố di truyền: bệnh viêm khớp dạng thấp có tính chất gia đình.
- Yếu tố tác nhân gây bệnh
– Có thể là một nhiễm khuẩn, nhiễm virus;
– Một loại dị ứng nguyên từ ngoài vào hoặc nội sinh;
– Một enzym do thay đổi cấu trúc.
Các yếu tố thuận lợi có tính cách phát động gây bệnh
- Cơ thể suy yếu do bất thường về dinh dưỡng và chế độ ăn uống, hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm khuẩn nặng;
- Các yếu tố tâm lý, các stress, các trạng thái cơ thể (thai nghén, mãn kinh, dùng thuốc ngừa thai…), các rối loại nội tiết;
- Môi trường khí hậu lạnh và ẩm kéo dài;
- Sau phẫu thuật.
Nguyên nhân theo Y học cổ truyền |YHCT|
- Nhóm ngoại cảm, tức là do 3 thứ tà khí phong, hàn, thấp lẫn lộn dồn đến xâm nhập vào cơ thể. Các tà khí này gây rối loạn sự vận hành khí huyết, làm cho khí huyết bế tắc, lưu thông không điều hòa mà sinh bệnh. Các tà khí này lại bị tắc lưu lại ở kinh lạc, cơ nhục, cân mạch hoặc tạng phủ gây sưng, đau, nhức, tê buồn, nặng, mỏi ở một vùng cơ thể hay các khớp xương;
- Nhóm ngoại cảm phối hợp với nội thương gây bệnh; Điều kiện để 3 khí tà phong hàn thấp gây bệnh được là cơ thể có vệ khí suy yếu, hoặc có sẵn khí huyết hư, hoặc tuổi già có can thận hư suy.
- Nhóm do nội thương: Do bệnh lâu ngày làm khí huyết hư suy, hoặc do tiên thiên bất túc làm cho khí huyết bất túc, doanh vệ không điều hòa mà sinh bệnh.
Ngoài ra điều kiện thuận lợi để 3 tà khí xâm nhập gây bệnh cho cả 2 thể loại trên là sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, ngâm thường xuyên dưới nước, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, làm việc mệt nhọc lại bị mưa rét thường xuyên….
Hậu quả
- Hiện nay viêm khớp dạng thấp đang là căn bệnh được cho là thủ phạm gây tàn phế nhiều nhất. Ngoài ảnh hưởng tại khớp như đau, teo cơ, biến dạng khớp…, bệnh còn gây hậu quả nặng nề đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đây là bệnh khớp mãn tính ở ngườilớn, biểu hiện bằng viêm không đặc hiệu màng hoạt dịch ở nhiều khớp, diễn biến kéo dài, tăng dần, cuối cùng dẫn tới dính khớp, biến dạng khớp.
- Hầu như trong các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp, số lượng khớp bị tổn thương thường lớn, đối xứng hai bên và nguy cơ gây tàn phế cao.Ở giai đoạn toàn phát, khi có sự “bào mòn” sụn khớp, đầu xương thì khớp bị tổn thương và khó phục hồi. Hậu quả là người bệnh không chỉ gặp khó khăn trong hoạt động hàng ngày mà còn có thể bị biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp, mất khả năng vận động, rất đau đớn (ngón tay co quắp lại, không cầm nắm được, vai không thể giơ lên cao, ngón chân bị trẹo ra ngoài). Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tàn phế suốt đời.
- Theo thống kê sau 10 năm mắc viêm khớp dạng thấp, 40-60% bệnh nhân mất khả năng làm việc, khớp có thể biến dạng, gây tàn phế và cần đến sự chăm sóc, giúp đỡ của người khác;
- Nguy cơ tử vong tăng cao ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng vận động, người mắc bệnh tim mạch, nhiễm trùng, loãng xương và các bệnh là hậu quả của thuốc kháng viêm không steroid,… Bên cạnh đó, viêm khớp dạng thấp còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể tim, phổi,…, kèm theo các triệu chứng toàn thân mệt mỏi, sốt cao, nổi nốt thấp dưới da,….
ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH
1. Điều trị
Điều trị không dùng thuốc VLTL-PHCN
Mục đích:
- Bảo vệ khớp;
- Giảm đau, giảm sưng;
- Duy trì, cải thiện tầm vận động khớp, ngăn ngừa biến dạng khớp;
- Làm mạnh cơ yếu, tăng cường sức chịu đựng của cơ thể;
- Cải thiện khả năng thăng bằng khi đi lại;
- Cải thiện sức khỏe và tăng cường độc lập trong sinh hoạt.
Các phương pháp VLTL-PHCN
- Giai đoạn khớp viêm cấp:
- Nghỉ ngơi, giảm vận động vì vận động và gắng sức làm tăng sưng đau, tổn thương khớp
- Duy trì khớp đúng khi nghỉ: không đặt gối kê dưới khoeo chân, gây co rút gập khi đợt viêm chấm dứt…
- Mang nẹp nghỉ vào ban đêm, cho phép giữ khớp ở tư thế chức năng và giảm sực co rút gân cơ, hỗ trợ chống viêm giảm đau
- Chườm lạnh các khớp viêm cấp 10 – 15 phút. 2 lần / ngày
- Xoa bóp bấm huyêt, tập vận động: vận động thụ động nhẹ nhàng các khớp háng, gối, vai ngừa dính khớp, teo cơ. Đặt khớp cổ , bàn, ngón tay trong máng bột hay nẹp nhựa ở tư thế cổ tay duỗi 20, khớp bàn đốt gập 45, khớp liên đốt gập 30, khớp liên đốt xa gập 20, ngón cái duỗi và dạng. Khuyến khích nằm sấp, gồng cơ tứ đầu đùi, cơ mông. Vận động thụ động nhẹ nhàng cổ chân và ngón chân
- Điện châm các huyệt: phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, a thị huyệt.
- Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tuỳ theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số nhanh, thời gian 20-30 phút một lần châm, hiệu quả giảm đau rất nhanh
- Giai đoạn Viêm khớp bán cấp
- Khớp cổ, bàn, ngón tay: Giảm đau bằng ngâm paraphin, bồn nước xoáy, vận động chủ động có trợ giúp để duy trì và tăng tầm vận động của bàn và ngón tay, vận động có đề kháng bằng tay hay dụng cụ để tăng trương lục cơ. Tập luyện chức năng cầm nắm. Kéo giãn nhẹ các gân co cứng nhưng không làm quá mức
- Khớp vai: Dùng nhiệt sâu để giảm đau, thư giãn bao khớp. vận động có trợ lực để tăng tầm vận động khớp nhất là dạng và xoay. Vận động chủ động tự do duy trì lực cơ vùng vai, tay
- Khớp háng và gối: Dùng nhiệt sâu để giảm đau. Vận động chủ động có trợ giúp để duy trì và tăng tầm vận động, tập mạnh cơ tứ đầu đùi, cơ duỗi hông. Tập di chuyển với nạng, gậy trợ giúp, đặt máng bột sau gối mỗi đêm.
- Khớp cổ chân, bàn chân: Giảm đau bằng nhiệt, vận động chủ động có trợ giúp khớp cổ chân nhất là gân gót. Kéo giãn gân cơ nếu co rút. Tập di chuyển với nạng
- Điện châm huyệt: A thị huyệt, phong trì, khúc trì, phong môn, hợp cốc, huyết hải, túc tam lý, tam âm giao, thái khê.
- Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tùy theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số chậm, thời gian 20-30 phút một lần châm.
- Giai đoạn mạn tính:
- Xoa bóp bầm huyệt,tập vận động là phương pháp hỗ trợ điều trị rất quan trọng, có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, thư cân giải cơ
- Thực hiện các bài tập kéo giãn ngừa co rút, biến dạng khớp, các bài tập có chủ động có đề kháng tăng thể tích cơ và lực cơ. Tăng cường thể lực bằng các bài tập vận độngtự do có trợ lực
- Thực hiện các bài tập hoạt động trị liệu tăng cường khả năng và các cử động khéo léo của 2 bàn tay
- Đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, đạp xe đạp, thể dục nhịp điệu để tăng cường sức bền của cơ thể
- Tập tăng tiến từ từ, không làm sưng đau hay khởi phát tiến trình viêm khớp
- Điện châm huyệt: A thị huyệt, phong môn, đại chùy, khúc trì, hợp cốc, huyết hải, âm lăng tuyền, huyền chung, phong long, túc tam lý.
- Dùng phương pháp điện châm với xung điện cường độ thích hợp (tùy theo ngưỡng chịu đựng của từng bệnh nhân), tần số chậm, thời gian 20-30 phút một lần châm.
Điều trị dùng thuốc Y học hiện đại |YHHĐ:
- Thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDs).
- Các glucocorticoid
- Các thuốc điều hòa miễn dịch: methotrexat, azathioprin, cyclosporin A.
- Các thuốc kháng thấp sinh học: Ức chế TNF , kháng Lympho B…
Điều trị YHCT
Viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp tính (tương ứng với thể nhiệt tý của YHCT)
- Pháp trị: thanh nhiệt khu phong, hóa thấp.
- Các bài thuốc:Bạch hổ quế chi thang. Quế chi thược dược tri mẫu thang
- Dùng thuốc đắp bó ngoài khớp sưng: ngải cứu, dây đau xương, lưỡi hổ, giã nát, sao lên với dấm đắp hoặc bó ngoài khớp sưng.Hoặc ngải cứu, râu mèo, gừng: giã nát sao với rượu đắp lên khớp sưng.
- Châm cứu:
- Châm các huyệt quanh hoặc lân cận khớp sưng đau.
- Toàn thân: châm hợp cốc, phong môn, huyết hải, túc tam lý, đại chùy
Viêm khớp dạng thấp đợt mạn tính:
- Phép trị: khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, tán hàn.
- Bài Độc hoạt tang ký sinh thang
- Châm cứu:
- Tại chỗ, châm các huyệt quanh hoặc lân cận khớp sưng đau.
- Toàn thân: hợp cốc, phong môn, túc tam lý, huyết hải, đại chùy.
- Xoa bóp, vận động:
- Tại các khớp bằng các thủ thuật, ấn, day, lăn, véo các khớp và cơ quan khớp.
- Vận động: vừa xoa bóp vừa tập vận động khớp theo các tư thế cơ năng, từng bước, động viên bệnh nhân chịu đựng và tập vận động tăng dần.
Viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm
- Thể phong tý:
– Phép trị: khu phong là chính, tán hàn trừ thấp là phụ; kèm hành khí, hoạt huyết;
– Các bài thuốc: Phòng phong thang gia giảm. Quyên tý thang;
– Châm cứu: tại chỗ, châm các huyệt tại khớp sưng hoặc tại huyệt lân cận;
– Toàn thân: hợp cốc, phong môn, phong trì, huyết hải, túc tam lý, cách du. - Thể hàn tý
– Phép trị: tán hàn là chính, khu phong trừ thấp là phụ, hành khí hoạt huyết;
– Bài thuốc; quế chi, ý dĩ, can khương, phụ tử chế, xuyên khung, thiên niên kiện, ngưu tất, uy linh tiên …
– Châm cứu: cứu quan nguyên, khí tải, túc tam lý, tam âm giao; Châm bổ hoặc ôn châm các huyệt tại chỗ và lân cận khớp đau; - Thể thấp tý:
– Phép trị: trừ thấp là chính, khu phong tán hàn là phụ, hành khí hoạt huyết;
– Bài ý dĩ nhân thang gia giảm;
– Châm cứu: tại chỗ, châm các huyệt quanh khớp sưng đau và lân cận. + Toàn thân: túc tam lý, tam âm giao, tỳ du, thái khê, huyết hải.
Điều trị duy trì đề phòng viêm khớp dạng thấp tái phát
- Pháp bổ can thận, lương huyết, khu phong trừ thấp.
- Bài Độc hoạt tang ký sinh thang gia phụ tử chế
Điều trị hỗ trợ
- Giáo dục cho người bệnh và những người xung quanh hiểu về bệnh, cách tiến triển, cách dự phòng và cách sử dụng thuốc được coi là rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của việc điều trị.
- Cần cho bệnh nhân ăn uống điều độ và nghỉ ngơi từng giai đoạn ngắn liên quan tới các giai đoạn phát triển cấp tính.
- Tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng … là các biện pháp không thể thiếu trong mọi chiến lược điều trị kể cả trước đây, hiện nay và sau này.Tập luyện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.
- Phẫu thuật chỉnh hình để sửa chữa các thương tổn không thể phục hồi của bệnh.
2. Phòng bệnh
- Không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, các can thiệp phòng ngừa chủ động đối với VKDT là những biện pháp chung nhằm nâng cao sức khoẻ, thể trạng bao gồm ăn uống, tập luyện và làm việc, tránh căng thẳng;
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nhiễm trùng, các tình trạng rối loạn miễn dịch.