Viêm cột sống dính khớp (VCSDK) là bệnh có biểu hiện viêm mạn tính ở cột sống và các khớp (chủ yếu là viêm khớp cùng-chậu và cột sống) dẫn đến hạn chế cử động cột sống do hình thành cầu xương giữa các thận đốt sống, dính các khớp mỏm phía sau và vôi hoá các dây chằng cột sống.
TRIỆU CHỨNG
Giai đoạn khởi phát: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là hiện tượng viêm các khớp ở trục (cột sống thắt lưng, cột sống cổ), khớp cùng chậu hai bên và các khớp lớn ở ngoại biên (khớp háng, khớp gối…), thường không đối xứng, diễn biến kéo dài.
- Đau cột sống thắt lưng, đau vùng hông, đau khớp háng, đau khớp gối…
- Cứng lưng, cúi khó
- Mệt mỏi, xanh xao, gày sút, sốt nhẹ…
Giai đoạn toàn phát
- Biểu hiện ở cột sống: Các biểu hiện tổn thương ở cột sống thường xuất hiện muộn hơn các khớp háng và gối nhưng lại để lại di chứng dính khớp nặng nề.
- Cột sống thắt lưng: đau và hạn chế vận động xuất hiện sớm nhất ở hầu hết các bệnh nhân viêm cột sống dính khớp, giai đoạn muộn các đốt sống dính vào nhau dẫn đến cứng khớp. Khối cơ chung cạnh cột sống teo nhanh làm cho cột sống như nhô hẳn lên.
- Đau khớp cùng chậu: đau nhức ê ẩm, đau nhiều về đêm, đau khi vận động nhất là khi trở mình, khi cúi, khi đi lại.Khi ấn vào khe khớp cùng chậu đau
- Cột sống lưng: đau, đo độ giãn nở lồng ngực bị hạn chế dưới 3cm (người bình thường đo ở liên sườn 4 độ giãn nở lồng ngực trung bình đạt 4-6cm).
- Cột sống cổ: thường ít có biểu hiện các triệu chứng bệnh lý, ở giai đoạn muộn của bệnh có thể biểu hiện cứng và dính cột sống cổ.
Biểu hiện ở các khớp ở chi và gốc chi:
- Khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân sưng nóng đỏ đau nhưng biểu hiện kín đáo, đau nhiều về đêm, đau làm các khớp hạn chế vận động, thường đau cả hai bên.
- Các khớp hiếm gặp viêm: khớp vai, khớp ức đòn.
- Các khớp hầu như không thấy biểu hiện viêm là: khớp ở bàn ngón tay, bàn ngón chân.
Những biểu hiện toàn thân và ngoài khớp.
- Gày sút cân rất nhanh, mệt mỏi, sốt nhẹ, đôi khi sốt cao nhất là ở giai đoạn toàn phát.
- Tổn thương gân và dây chằng: viêm đau các gân Achille, gân ở mặt trước khớp háng, làm cho chân co ở tư thế gấp.
- Viêm mống mắt, viêm mống mắt thể mi.
- Tổn thương viêm van tim, rối loạn dẫn truyền thần kinh tim.
- Các biểu hiện rất hiếm gặp: xơ teo da, thoát vị bẹn hoặc rốn, xơ phổi (dễ nhầm với lao phổi), chèn ép thần kinh tủy.
Giai đoạn di chứng: Thường xuất hiện từ năm thứ 5 của bệnh.
- Dính và hạn chế vận động khớp háng, khớp gối
- Cứng cột sống lưng, thắt lưng và cổ: hạn chế cúi, ngửa, quay, biến dạng gù lưng. Nếu các khớp sườn- đốt sống cũng bị tổn thương thì khả năng giãn nở của lồng ngực cũng giảm, thở sâu khó khăn. Khi đã dính khớp thì triệu chứng đau giảm đi và hết.
- Co rút các gân, teo cơ
- Các biểu hiện toàn thân và ngoài khớp:
- Mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sốt nhẹ, xanh xao, thiếu máu
- Viêm mống mắt, rối loạn dẫn truyền, hở van ĐM Chủ …
X-Quang: Những biến đổi X-Quang ở khớp cùng-chậu và cột sống có ý nghĩa đặc trưng với bệnhVCSDK.
- X-Quang khớp cùng-chậu:Viêm khớp cùng-chậu hai bên là tiêu chuẩn bắt buộc để chẩn đoán VCSDK (vì viêm khớp cùng chậu là tổn thương sớm nhất và thường xuyên nhất ở bệnh VCSDK)
- X-Quang cột sống-dây chằng:
– Ở giai đoạn sớm các biến đổi không đặc hiệu dễ bị bỏ sót;
– Ở giai đoạn muộn: Các dây chằng vôi hoá tạo hình cản quang đệm chạy dọc cột sống, giống hình “đường ray”.
NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ
Nguyên nhân:
Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ hoàn toàn. Có hai đặc điểm chính là hiện tượng viêm và xơ hóa, calci hóa các dây chằng, bao khớp (đặc biệt tại vị trí cột sống), các điểm bám gân.
- Kháng nguyên hoà hợp mô HLA-B27: gặp trong 90% trường hợp, ngoài ra còn có thể có một số yếu tố gen khác và tác nhân nhiễm khuẩn. Yếu tố gia đình chiếm tỷ lệ 10%.
- Phản ứng miễn dịch: Sự kết hợp giữa yếu tố gen và tác nhân nhiễm khuẩn ban đầu ở các đối tượng này gây phản ứng miễn dịch kéo dài, có sự tham gia của yếu tố hoại tử u (TNFα).
- Phản ứng viêm: Phản ứng miễn dịch gây ra một chuỗi phản ứng viêm, có vai trò xúc tác của các enzymes như cyclo-oxygenase (COX).
- Tổn thương khớp: hiện tượng xơ các mô sụn hoặc mô xương gây hạn chế vận động, có kèm sự phá hủy khớp.
Hậu quả:
- Bệnh tiến triển một cách từ từ và ngày càng nặng dần lên theo từng đợt, dẫn đến dính và cứng khớp: cứng và dính cột sống gây gù vẹo, dính khớp háng. Xấu nhất là dính khớp háng và khớp gối ở tư thế gấp làm cho bệnh nhân phải bò. Khi đã dính khớp thì triệu chứng đau giảm đi và hết.
- Trong quá trình tiến triển bệnh nhân có thể bị các biến chứng như suy hô hấp, tâm phế mạn, liệt hai chân do chèn ép tủy và rễ thần kinh.
- Tiên lượng xấu ở những bệnh nhân trẻ tuổi, viêm khớp ngoại biên, sốt và gày sút nhiều.Tiên lượng tốt hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh sau tuổi 30, thể cột sống là chủ yếu.
ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH
Điều trị
1. Điều trị không dùng thuốc VLTL – PHCN: Mục đích: duy trì tư thế chức năng tốt cho người bệnh, điều này được thực hiện sớm, trước khi các khớp bị biến dạng.
Giai đoạn cấp:
- Người bệnh nằm nghỉ trên giường có đềm cứng, không kê gối dưới đầu, thánh nằm võng.
- Dùng thuốc chống viêm, có thể kết hợp quang tuyến liệu pháp hàng ngày trong 1 tháng giúp chống viêm và tập vận động sớm.
- Tập thở sâu, nhất là thở ngực.
Giai đoạn bán cấp và mãn tính:
- Đặc điểm BN VCSDK thường có xu hướng còng lưng, sau đó biến dạng gù cố định do cứng khớp, bởi vậy khi cột sống chưa dính, mục đích chính là duy trì tư thế tự nhiên của cột sống, chống cứng khớp, teo cơ.
- Tập vận động có trợ giúp bằng giàn theo hay tập vận động dưới nước.
- Vận động cột sống cổ, ngực, thắt lưng.
- Tập thở sâu.
- Tập luyện tư thế và dáng đi.
Chương trình tập tại nhà:
- Tập luyện tư thế tốt: đầu, thân mình và chân thẳng hàng, mắt nhìn thẳng, ưỡn ngực, vai đưa ra sau, bụng thót lại.
- Dùng đệm cứng và không dùng gối.
- Tập thở sâu ngày 2-3 lần, chú trọng thở lồng ngực, kết hợp thở bụng.
- Cần khuyến khích bệnh nhân tập luyện mỗi ngày, theo dõi chiều cao và vòng ngực, tái khám định kỳ. Nếu giảm chiều cao và lồng ngực là do tập luyện không tốt hoặc chương trình tập không hiệu quả, cần xem xét lại.
Điều trị theo Y học hiện đại:
- Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển mạnh, nên nằm bất động ở tư thế cơ năng: nằm ngửa trên nền cứng, đầu gối thấp, chân duỗi thẳng hơi dạng.Với tư thế này nếu có dính khớp thì bệnh nhân vẫn có thể đi lại được. Tuy nhiên chỉ được bất động trong thời gian ngắn, khi đã hết đợt cấp thì phải cho vận động ngay để tránh dính khớp.
- Trong bệnh viêm cột sống dính khớp cần dùng các thuốc chống viêm mạnh như:
- Phenylbutazon giai đoạn đầu tiêm bắp mỗi ngày 600mg, sau đó chuyển sang uống mỗi ngày 150-200mg.
- Indometacin viên 35mg, mỗi ngày uống 50-150mg.
- Salazopyrin viên 0,5 ngày 2-4 viên, cơ chế chống nhiễm khuẩn tiềm tàng, tác dụng tốt ở 50-70%, uống kéo dài nhiều tháng.
- Sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu kết hợp giúp chống đau giảm viêm. Đặc biệt, ở giai đoạn chưa dính cột sống có thể chỉ định kéo giãn cột sống để phòng ngừa và hạn chế mức độ dính khớp.