THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ
Theo Y học hiện đại |YHHĐ|
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan đến tư thế vận động. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa ở bất kỳ đoạn nào song đoạn C5-C6-C7 là thường gặp nhất.
Theo Y học cổ truyền |YHCT|: Các triệu chứng của bệnh thuộc phạm vi chứng Tý của YHCT.
TRIỆU CHỨNG
Theo Y học hiện đại:
- Đau: Đau cột sống âm ỉ và có tính chất cơ học (đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi). Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, có thể đau liên tục và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Bệnh nhân có thể cảm thấy tiếng lục khục khi cử động cột sống. Tùy theo vị trí rễ tổn thương (một bên hoặc cả hai bên) mà đau lan từ cổ xuống tay bên đó. Có thể đau tại vùng gáy, đau quanh khớp vai. Đau sâu trong cơ xương, bệnh nhân có cảm giác nhức nhối; có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, có thể lan đến các ngón tay. Đau tăng lên khi vận động cột sống cổ ở các tư thế (cúi, ngửa, nghiêng, quay) hoặc khi ho, hắt hơi, ngồi lâu…
- Có thể có dấu hiệu cứng cột sống vào buổi sáng. Co cứng cơ cạnh cột sống Hạn chế vận động cột sống cổ
- Có thể kèm theo hiện tượng: Nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng; có khi kèm chóng mặt, ù tai, hoa mắt, mờ mắt, nuốt vướng; đau tai, lan ra sau tai, đau khi để đầu ở một tư thế nhất định. Yếu cơ hoặc teo cơ tại vai, cánh tay bên tổn thương
- Biểu hiện khác: dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc…
Tùy theo vị trí cột sống cổ bị tổn thương mà có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời các biểu hiện trên. - X quang cột sống cổ có thể phát hiện các bất thường: mất đường cong sinh lí, gai xương ở thân đốt sống, giảm chiều cao đốt sống, đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ: phương pháp có giá trị nhất nhằm xác định chính xác vị trí rễ bị chèn ép, vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, mức độ hẹp ống sống, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u, …).
Theo Y học cổ truyền:
- Đau lưng âm ỉ, ê ẩm, thường không có điểm đau rõ ràng, các cơ sống lưng không co cứng, đau lâu ngày, hay tái phát, nghỉ ngơi thì giảm, vận động đau tăng,
- Khi có phong hàn thấp xâm nhập, đau lưng trở nên rõ ràng hơn, có thể cơ lưng co cứng làm bệnh nhân vận động lưng hạn chế.
NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ
Theo Y học hiện đại
- Quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh…)
- Tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.
- Sự tăng trọng tải: tăng cân quá mức do béo, do nghề nghiệp, thói quen …
- Các yếu tố khác:
- Di truyền: cơ địa già sớm.
- Nội tiết: mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.
- Chuyển hóa: bệnh thống phong, bệnh da xạm nâu
Theo Y học cổ truyền
- Do chính khí cơ thể bị hư, rối loạn chức năng của các tạng phủ nhất là hai tạng can và thận. Can tàng huyết, can chủ cân có liên quan đến phủ đởm, can hư không tàng được huyết, không nuôi dưỡng được cân làm huyết kém, cân yếu mỏi hoặc co rút.Thận chủ cốt tủy, thận hư xương cốt yếu.
Tiến triển – Biến chứng:
- Chèn ép thần kinh gây hội chứng vai cánh tay 1 hoặc 2 bên
- Chèn ép các động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt
- Chèn ép tủy: gây yếu, đau tứ chi, đi lại khó khăn hoặc liệt không vận động được.
ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH
Điều trị không dùng thuốc VLTL – PHCN
Nguyên tắc
- Giảm đau, chống co rút co cứng cơ
- Chống thoái hóa
- Phục hồi tấm vận động cột sống cổ
- Phục hồi các chức năng hàng ngày
- Phục hồi cơ, thần kinh vùng cánh tay
Các phương pháp và kỹ thuật PHCN:
- Điều trị bằng nhiệt: Hồng ngoại, đắp paraphin, bùn khoáng, từ trường nhiệt…Ôn châm, cứu ngải…
- Điện phân dẫn thuốc giảm đau như Natrisalicylat 3%
- Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau
- Kéo giãn cột sống cổ thực hiện với mức độ tăng dần từ từ
- Tập luyện các bài tập theo tầm vận động cột sống cổ, vai tay
- Xoa bóp bấm huyệt trị liệu
- Điện châm: Các huyệt Phong trì, Kiên tỉnh, Đại trữ, Phong môn, Đốc du, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc….
Điều trị thuốc Y học hiện đại:
- Dòng Acetaminophen: Paracetamol 500mg x 04 viên/ngày
- Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid: các dạng kinh điển (diclofenac, ibuprofen, naproxen…) hoặc các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, etoricoxib…), tuy nhiên cần thận trọng ở bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý ống tiêu hóa, tim mạch hoặc thận mạn tính. Có thể dùng đường uống hoặc bôi ngoài da.
- Thuốc giãn cơ: Myonal 50mg hoặc Mydocalm 150mg x 03 viên/ngày, chia 3 lần
- Nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm (glucosamine sulfate: 1500mg/ngày, dùng đơn độc hoặc phối hợp với chondroitin sulfate); hoặc diacerein 50mg x 2 viên/ngày
- Các thuốc khác: khi bệnh nhân có biểu hiện đau kiểu rễ, có thể sử dụng phối hợp với các thuốc giảm đau thần kinh như:
+ Gabapentin: 600-1200 mg/ngày (nên bắt đầu bằng liều thấp)
+ Pregabalin: 150-300 mg/ngày (nên bắt đầu bằng liều thấp)
+ Các vitamin nhóm B (B1, B6, B12), mecobalamin
Điều trị thuốc Y học cổ truyền:
- Pháp điều trị: Bổ can thận, thông kinh hoạt lạc
- Bài thuốc: Quyên tý thang gia giảm
Điều trị ngoại khoa : Chỉ chỉ định áp dụng trong các trường hợp: có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng.
PHÒNG BỆNH:
Phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng, bằng cách ngăn ngừa và hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống
Trong cuộc sống hàng ngày:
- Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động.
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng…
- Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng và dễ bị Thoái hóa khớp để phát hiện và điều trị sớm.
- Chống tình trạng béo bệu bằng chế độ dinh dưỡng, thể dục thích hợp.
Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hoặc ngoại khoa, ngăn ngừa các Thoái hóa khớp thứ phát.
Thăm khám kiểm tra trẻ em, chữa sớm các bệnh còi xương, các tật về khớp gối (vòng kiềng, chân cong), bàn chân ngựa, loạn sản khớp háng, gù, vẹo cột sống.