123-sleepless-woman-and-alarm300sq-medium_new

  1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Mất ngủ là một tình trạng đặc trưng bởi giảm chất lượng và số lượng giấc ngủ mặc dù đã có đủ cơ hội để ngủ có thể dẫn đến giảm hoạt động vào ban ngày.
  1. Theo Y học cổ truyền |YHCT|: Mất ngủ gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”… và thường kèm thêm các triệu chứng: đau đầu, váng đầu, tâm phiền, hay quên…

TRIỆU CHỨNG

  • Khó vào giấc ngủ.
  • Khó duy trì giấc ngủ
  • Dậy quá sớm
  • Ngủ dậy vẫn thấy mệt
  • Tỉnh dậy nhiều lần trong giấc ngủ (mỗi lần 30 phút).

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

1. Nguyên nhân
Nguyên nhân theo Y học hiện đại |YHHĐ|

  • Nguyên nhân mất ngủ thoáng qua (mất ngủ dưới 1 tuần)
  • Stress (34% nữ và 22% nam, Mỹ – 1999).
  • Do rối loạn lịch thức ngủ trong ngày, như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên, do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6-24 giờ.
  • Sử dụng các chất kích thích não: cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc có tính kích thích. Do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích…
  • Thói quen của người ngủ cùng: ngáy, nghiến răng…
  • Các yếu tố môi trường: ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, thoáng khí …
  • Nguyên nhân mất ngủ mạn tính:(Mất ngủ/ Rối loạn giấc ngủ kéo dài trên 1 tháng). Nhóm nguyên nhân này chủ yếu gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý cơ thể hoặc bệnh lý tâm thần.
  • Bệnh lý đa khoa: dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản…
  • Bệnh lý tâm thần: Trầm cảm, Hưng cảm, Rối loạn lo âu lan toả, Rối loạn stress sau chấn thương(PTSD), Nghiện( rượu và các chất dạng thuốc phiện), Tâm thần phân liệt, Bệnh sa sút trí tuệ.
  • Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ …
  • Ngoài ra còn 1 số tình trạng sinh lý cũng có thể dẫn tới mất ngủ như: Mãn kinh, kinh nguyệt, có thai, sốt, đau …

Nguyên nhân theo y học cổ truyên (YHCT)

  • Suy nghĩ hay lao lực nhiều lần làm tổn thương tới chức năng của hai tạng Tâm, Tỳ vì vậy dẫn đến nguồn sinh huyết dịch bị tiêu hao đi, không thể dưỡng tâm để tàng thần… sẽ dẫn đến mất ngủ. Đây là do tâm tỳ hư mà dẫn đến mất ngủ mà gốc là huyết hư.
  • Ở những người cơ thể bẩm sinh hư nhược, hay mắc bệnh lâu ngày… làm cho thận âm bị hao tổn không giao hòa được với tâm dẫn đến chứng tâm thận bất giao, hậu quả là tâm âm hư tâm hỏa vượng mà dẫn đến mất ngủ. Đây là do tâm thận bất giao mà gốc là thận thủy không đủ làm cho âm bất thăng lên, dẫn đến tâm hỏa vượng mà sinh ra mất ngủ.
  • Ăn uống không điều độ, dẫn đến thức ăn ngưng trở lại ở trung tiêu, lâu ngày thành đàm hóa nhiệt nhiễu động lên trên dẫn đến mất ngủ.
  • Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác nhau như: đột nhiên bị kinh sợ, làm nhiễu loạn tâm thần dẫn đến tâm phiền bất an mà đưa tới mất ngủ. Hay ở người trong cuộc sống có nhiều lo toan suy nghĩ căng thẳng, làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, ngủ ít hay mê… tình trạng này kéo dài cũng dẫn đến mất ngủ

Hậu quả

  • Chất lượng cuộc sống
  • Bệnh nhân thường than phiền tình trạng mất ngủ làm tăng mệt mỏi, buồn ngủ, lú lẫn, căng thẳng, lo âu và trầm cảm cũng như tăng nguy cơ sai sót hoặc gặp tai nạn.
  • Hiệu suất
  • Hầu hết bệnh nhân mất ngủ đều quan tâm đến việc giấc ngủ kém làm ảnh hưởng tới hiệu suất công việc hàng ngày.
  • Tuy nhiên, không ít bệnh nhân bị mất ngủ có xu hướng đánh giá quá cao mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm hiệu suất hơn thực tế, cũng như vấn đề thiếu ngủ của họ.
  • Tự ý dùng thuốc
  • Những bệnh nhân không được bác sĩ chỉ định điều trị thường tự ý mua thuốc uống, làm tăng nguy cơ lạm dụng thuốc.
  • Trong đó, 1 số người bệnh sử dụng rượu như một biện pháp điều trị. Rượu có thể làm giảm thời gian đi vào giấc ngủ nhưng có thể gây thức giấc thường xuyên và tỉnh giấc vào sang sớm. Ngoài ra, rượu còn làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ và gây ra những bệnh lý khác nếu dùng lâu dài.
  • Tăng kích thích sinh lý
  • Mất ngủ mãn tính, dù không kèm theo vấn đề về tâm thần hoặc các bệnh khác, có thể làm tăng kích thích sinh lý của cơ thể. Phần lớn các nghiên cứu đã cho thấy sự gia tăng này xảy ra ở tim, quá trình trao đổi chất, sản xuất các hormones và tăng tần số trên điện não đồ (EEG).
  • Bệnh đi kèm và nguy cơ tử vong
  • Mất ngủ làm tăng kích hoạt hệ thống thần kinh, tăng nguy cơ tim mạch, như tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim, rối loạn chuyển hóa đường huyết…
  • Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh mối quan hệ hai chiều giữa mất ngủ và trầm cảm, lo âu. Theo đó, mất ngủ là một yếu tố dự báo mạnh của quá trình tiến triển đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo lắng và lạm dụng ma túy, nghiện rượu.

ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

1. Điều trị
Điều trị không dùng thuốc

  • Loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ: Nếu cố gắng tìm hiểu, người bệnh sẽ biết một phần nguyên nhân gây mất ngủ, thí dụ uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều chất cay nóng, ăn quá no vào buổi tối, đi du lịch đến nơi có sự thay đổi múi giờ quá lớn, do căng thẳng trong công việc…;
  • Trị liệu hành vi: Liệu pháp hành vi đối với chứng mất ngủ bao gồm giáo dục vệ sinh giấc ngủ, kiểm soát kích thích, thư giãn, trị liệu hạn chế giấc ngủ, liệu pháp nhận thức và liệu pháp nhận thức hành vi. Kết quả điều trị thành công bằng liệu pháp hành vi là giảm các triệu chứng ban ngày và cải thiện chức năng, chất lượng cuộc sống và các bệnh đi kèm. Trị liệu hành vi có khả năng dung nạp tốt, hầu như không có tác dụng phụ nhưng không phổ biến ở nhiều nơi;
  • Vệ sinh giấc ngủ: Vệ sinh giấc ngủ dùng để chỉ hành động giúp cải thiện và duy trì giấc ngủ tốt;
  • Ngủ đủ giấc, là nhu cầu cần thiết để được nghỉ ngơi (thường từ bảy đến tám giờ ở người lớn) và sau đó ra khỏi giường;
  • Duy trì thời điểm đi ngủ, nhất là thời gian thức dậy vào buổi sáng;
  • Cố gắng không đi ngủ một cách gượng ép;
  • Tránh thức uống chứa caffeine sau khi ăn trưa;
  • Tránh uống rượu gần giờ đi ngủ, như vào cuối buổi chiều và buổi tối;
  • Tránh hút thuốc hoặc dùng nicotine nói chung, nhất là buổi tối;
  • Điều chỉnh môi trường phòng ngủ khi cần thiết để làm giảm kích thích, như giảm bớt ánh sáng môi trường xung quanh, tắt TV hoặc radio…;
  • Tránh sử dụng màn hình phát sáng kéo dài như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh, ebooks trước khi đi ngủ;
  • Giải quyết các mối quan tâm hoặc lo lắng trước khi đi ngủ;
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 20 phút, trong thời gian bốn đến năm giờ trước khi đi ngủ;
  • Tránh ngủ vào ban ngày, nhất là ngủ hơn 20-30 phút hoặc xảy ra vào cuối ngày;
  • Kiểm soát kích thích;
  • Bệnh nhân mất ngủ có thể do nỗi sợ giường ngủ, phòng ngủ cùng với nỗi sợ không ngủ được hoặc các sự kiện quấy rầy khác. Một phần muốn nằm trên giường cố gắng để ngủ, một phần lại đang chịu sự kích thích càng kéo dài thời gian đi vào giấc ngủ;
  • Liệu pháp kiểm soát kích thích có mục đích là phá vỡ vòng lẩn quẩn này. Bệnh nhân không được đi ngủ cho đến khi họ thấy buồn ngủ và chỉ sử dụng giường để ngủ (không đọc sách, xem tivi, ăn uống hay làm điều gì khác trên giường);
  • Không để bệnh nhân trải qua 20 phút trên giường mà hoàn toàn tỉnh táo. Nếu họ tỉnh táo sau 20 phút, họ được đưa ra khỏi phòng ngủ và tham gia vào các hoạt động thư giãn, như đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu.
  • Sau đó, bệnh nhân chỉ nên trở về phòng ngủ cho đến khi mệt mỏi và cảm thấy sẵn sàng để ngủ. Nếu quay trở lại giường và vẫn không thể ngủ trong vòng 20 phút, quy trình cần được lặp đi lặp lại;
  • Thời điểm đánh thức phải cùng lúc mỗi buổi sáng, bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần. Bệnh nhân không được phép có giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Ban đầu có thể không cải thiện ngay lập tức; tuy nhiên, sự tích lũy buồn ngủ sẽ tạo thuận lợi cho giấc ngủ trong đêm kế tiếp;
  • Thư giãn: Liệu pháp thư giãn có thể được thực hiện trước mỗi giấc ngủ. Có hai kỹ thuật phổ biến: giãn cơ tiến triển và phản ứng thư giãn;
  • Thư giãn tiến triển dựa trên lý thuyết rằng một cá nhân có thể học cách thư giãn một bó cơ trong một thời gian cho đến khi toàn bộ cơ thể được thả lỏng;
  • Bắt đầu với các cơ ở mặt, thả lỏng trong 1-2 giây và sau đó thư giãn. Điều này được lặp đi lặp lại vài lần. Kỹ thuật tương tự được sử dụng cho các nhóm cơ khác, thường theo trình tự sau: hàm và cổ, cánh tay, cẳng tay, ngón tay, ngực, bụng, mông, đùi, bắp chân và bàn chân. Nếu cần thiết, chu kỳ có thể được lặp lại sau khoảng 45 phút;
  • Phản ứng thư giãn bắt đầu bằng cách nằm hoặc ngồi thoải mái. Nhắm mắt và cảm giác thư giãn lan truyền khắp cơ thể. Những suy nghĩ hàng ngày tạm biến mất bằng cách tưởng tưởng trong đầu hình ảnh không gian yên bình;
  • Liệu pháp hạn chế giấc ngủ;
  • Một số bệnh nhân bị mất ngủ có khuynh hướng nằm trên giường để cố gắng bù đắp cho mất ngủ. Điều này gây ra phản ứng sinh học, phá vỡ hằng định nội môi, làm cho giấc ngủ khởi phát đêm sau khó khăn hơn và lại cần phải nằm trên giường lâu hơn;
  • Liệu pháp hạn chế giấc ngủ chống xu hướng này bằng cách giới hạn tổng thời gian cho phép trên giường, bao gồm thời gian ngủ và thời gian ngủ khác bên ngoài phòng ngủ, nhằm cải thiện hiệu quả giấc ngủ;
  • Liệu pháp bắt đầu bằng cách giảm thời gian trên giường xuống bằng với lượng thời gian bệnh nhân thực sự ngủ (thường được xác định bằng thiết bị đa ký giấc ngủ), nhưng không ít hơn năm giờ mỗi đêm. Trên cơ sở kết quả ghi nhận hàng ngày, bác sĩ tính được hiệu quả giấc ngủ, là tỷ lệ giữa thời gian ngủ chia cho thời gian ở trên giường. Nếu thời gian ở trên giường tăng 15-30 phút một lần, hiệu quả giấc ngủ tăng trên 85%, quá trình được lặp đi lặp lại cho đến khi bệnh nhân cải thiện giấc ngủ và ban ngày không còn thấy buồn ngủ;
  • Điều trị nhận thức;
  • Bệnh nhân tỉnh táo vào ban đêm thường lo ngại rằng họ sẽ hoạt động kém vào ngày hôm sau nếu không được ngủ đủ giấc. Lo lắng này có thể làm trầm trọng thêm chứng khó ngủ, tạo ra một vòng luẩn quẩn;
  • Một người có thể đổ lỗi cho tất cả các sự kiện bất lợi trong cuộc sống của họ là nguyên nhân gây ra giấc ngủ kém. Vì vậy, trong điều trị nhận thức, bệnh nhân được luyện tập liệu pháp giúp đối phó với sự lo lắng và suy nghĩ tiêu cực, đồng thời khẳng định vai trò cần thiết của giấc ngủ;
  • Các phương pháp khác:
  • Các liệu pháp hành vi khác có thể hữu ích trong việc điều trị chứng mất ngủ, như thiền, niệm kinh, tập thể dục…

Điều trị vật lý trị liệu : Từ trường trị liệu, Massage trị liệu

  • Châm cứu:Châm cứu làm giải toả những sự ứ tắc khí gây ra đau đớn và giảm sự nhạy cảm cùng với đau thần kinh.  Làm tăng tỷ lệ hồi phục đồng thời làm giảm áp lực. Châm cứu dựa trên sự vận chuyển khí của con người, và khí điều hoà cảm xúc, châm cứu hiệu quả cũng làm tăng cảm hứng.
  • Xoa bóp bấm huyệt chữa mất ngủ: có tác dụng làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng hệ thống miễn dịch. Điều hòa quá trình hưng phấn hay ức chế thần kinh, làm thư giãn thần kinh, giảm căng thần kinh, tăng khả năng tập chung.
  • Xông hơi: thảo dược, Ngâm chân thảo dược có thể giúp tăng cường lưu thông khí huyết, thư giãn cân cơ, an thần
  • Các bài tập: Hướng dẫn cho người bệnh một số phương pháp tự chữa như xoa bóp, khí công, tập dưỡng sinh, thể dục…

 Điều trị YHCT

  • Thể Thể tâm tỳ lưỡng hư:
    Pháp điều trị:Dưỡng tâm, kiện tỳ, an thần
    Điều trị cụ thể:
    – Châm cứu: châm bổ các huyệt Thần môn, Tam âm giao, Nội quan, Huyết hải, Phục lưu, Túc tam lý.
    – Bài thuốc cổ phương:Quy tỳ thang (Tế sinh phương)
  • Thể âm hư hỏa vượng
    Pháp điều trị:tư bổ thận âm, thanh tâm giáng hỏa, an thần
    Điều trị cụ thể:
    Châm cứu:
    – Châm bổ các huyệt Thận du, Tam âm giao, Thái khê, Phục lưu;
    – Châm tả các huyệt:Thần môn, Bách hội, Thái xung, Nội quan.
    – Bài thuốc cổ phương:Thiên vương bổ tâm đan
  • Thể đàm nhiệt nội nhiễu
    Pháp điều trị:hóa đàm, thanh nhiệt, an thần
    Điều trị cụ thể:
    Châm cứu:
    – Châm tả các huyệt Phong long, Túc tam lý, Thái xung, Thiếu hải.
    – Châm bổ các huyệt Túc tam lý, Tỳ du, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.
    – Bài thuốc cổ phương:Ôn đởm thang (Thiên kim phương)

Điều trị thuốc YHHĐ: thuộc nhóm benzodiazepine (phải có bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sử dụng).

  • Một số thuốc không thuộc nhóm benzodiazepine đa phần là những thuốc mới: ưu điểm của những thuốc thuộc nhóm này là không gây lệ thuộc, nên có thể dễ mua không cần kê toa, ví dụ như : Melatonin, Ramelteon (Rozerem);
  • Một số thuốc chống trầm cảm và giải lo âu được sử dụng cho những bệnh nhân mất ngủ có biểu hiện của trầm cảm. Một số thuốc chống loạn thần cũng có hiệu quả tốt tuy nhiên ít được khuyến khích sử dụng cho mục đích điều trị mất ngủ.

Phòng bệnh

  • Đi ngủ vào một giờ cố định;
  • Nên ngủ sớm và dậy sớm;
  • Yên lặng hoàn toàn trong phòng ngủ, ánh sáng hoàn toàn tắt. Nhiệt độ trong phòng từ 25 – 28 độ C;
  • Thông khí trong phòng trước khi đi ngủ, ngủ mở cửa sổ ngay cả trong mùa đông;
  • Trước khi ngủ tránh thảo luận căng, tránh đọc những vấn đề gây suy nghĩ nặng và xúc động mạnh. Quên hết lo lắng buồn phiền;
  • Buổi tối trước khi đi ngủ nên đi dạo chơi ngoài trời trong sạch một lát;
  • Bữa ăn tối phải nhẹ nhàng, ăn trước khi đi nằm từ 2 – 3 tiếng;
  • Không nên làm quen với các loại thuốc ngủ;
  • Chế độ sinh hoạt đúng mức sẽ tạo nên giấc ngủ tốt.