Thiểu-năng-tuần-hoàn-não-1-300x300

Y học hiện đại |YHHĐ|: 

  • Tai biến mạch máu não là dấu hiệu phát triển nhanh trên lâm sàng của một rối loạn khu trú chức năng của não  kéo dài trên 24 giờ và thường do nguyên nhân mạch máu;
  • Liệt nữa người là giảm hoặc mất vận động hữu ý một tay và một chân cùng bên do tổn thương tháp kèm hay không kèm liệt một hay nhiều dây thần kinh sọ não cùng hay khác bên với bên liệt tay chân.

Y học cổ truyền |YHCT|: Y học cổ truyền gọi là trúng phong. Phong là nguyên nhân đứng đầu trong các nguyên nhân gây bệnh, do nội phong là chính, có thể do ngoại phong (phong tà).

 

 

 

 

TRIỆU CHỨNG

Triệu chứng:

  1. Y học hiện đại |YHHĐ|: Liệt nửa người tiến triển qua 3 giai đoạn

Giai đoạn đầu: Liệt mềm trương lực cơ giảm, kéo dài một vài tuần

Giai đoạn liệt cứng: trương lực cơ tăng biểu hiện co cứng:

  • Đầu người bệnh: nghiêng về bên liệt, mặt quay sang bên lành
  • Chi trên: Biểu hiện mẫu co cứng gấp:
  • Xương bả vai bị kéo ra sau, đai vai bị kéo xuống dưới.
  • Khớp vai khép và xoay vào trong.
  • Khớp khuỷu tay gấp, cẳng tay quay sấp.
  • Khớp cổ tay gấp mặt lòng và hơi nghiêng về phía xương trụ.
  • Ngón tay cái và các ngón khác gấp và khép.
  • Thân mình: Nghiêng về phía bên liệt và xoay ra sau.
  • Chi dưới: Biểu hiện co cứng duỗi:
  • Hông bên liệt bị kéo lên trên và xoay ra sau.
  • Khớp háng duỗi, khép và xoay ra ngoài.
  • Khớp gối duỗi. Khớp cổ chân gập mặt lòng, bàn chân nghiêng vào trong, các ngón chân gấp và khép.

Giai đoạn cuối(giai đoạn để lại di chứng): trương lực cơ tăng, đôi khi tăng mạnh dẫn đến co cứng khi đó đầu bệnh nhân sẽ nghiêng về bên liệt, mặt quay về bên lành; chi trên co cứng ở tư thế gập, chi dưới đi với dáng đi vợt tép (chân lành bước đi trước, chân liệt kéo lê theo chứ không nhấc hẳn chân lên khỏi mặt đất được)

Các triệu chứng kèm theo: có thể có

  • Giảm hoặc mất cảm giác nửa người bên liệt.
  • Liệt VII trung ương cùng bên với bên liệt: miệng méo, uống nước, ăn thức ăn hay vãi về phía bên liệt, không huýt sáo, thổi lửa được.
  • Rối loạn ngôn ngữ nếu tổn thương não bán cầu ưu thế: liệt bên phải nếu thuận tay phải.
  • Một số triệu chứng khác: rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác nửa người bên liệt, v.v..
  1. Y học cổ truyền |YHCT|:

Trúng phong kinh lạc: (tai biến mạch máu não không có hôn mê):

  • Thể can phong (Âm hư hoả vượng): Thường gặp ở những người cao huyết áp (CHA) thể can, thận âm hư: liệt 1/ 2 người; liệt mặt, có thể thoáng mất ý thức, hoa mắt chóng mặt, mạch huyền tế sác.
  • Phong đàm: “ thường gặp ở những người CHA thể đàm thấp”: Liệt nửa người, liệt mặt, miệng nhiều dớt dãi, lưỡi cử động khó khăn, rêu lưỡi trắng dày, mạch huyền hoạt.
  • Thể lạc mạch hư trống, phong tà xâm nhập: Liệt ½ người, có thể liệt VII cùng bên hoặc bên đối diện, có thể thoáng vắng ý thức, cảm giác ù tai, hoa mắt chóng mặt, sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch huyền sác hoặc tế sác.

Trúng phong tạng phủ (Tai biến mạch máu não có hôn mê):

  • Chứng bế (hôn mê kèm liệt cứng): Bệnh thể cấp tính, có hôn mê, liệt ½ người, có thể kèm theo liệt mặt cùng bên hoặc bên đối diện, thở khò khè, tiếng thở thô, miệng hôi, răng cắn chặt, cấm khẩu, chân tay nắm chặt, co giật, vật vã, đại tiểu tiện bế, chất lưỡi đỏ giáng, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
  • Chứng thoát(hôn mê kèm liệt mềm): Đột nhiên hôn mê, liệt ½ người, liệt mềm, có thể kèm theo liệt mặt, sắc mặt trắng bệch, mắt nhắm, miệng há, lưỡi rụt, vã mồ hôi lạnh, lượng nhiều, tứ chi lạnh, đại tiểu tiện không tự chủ, chất lưỡi trắng nhạt, rêu lưỡi nhớt, mạch trầm vi tế.

Di chứng do tai biến mạch máu não: liệt 1/2 người có thể liệt bên phải hay bên trái, có thể liệt cứng hay mềm; liệt mặt có thể cùng bên hay đối bên với liệt người, ù tai, đau cứng cổ gáy, nói ngọng, ăn nghẹn uống sặc, có thể đái ỉa không tự chủ…

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

  1. Nguyên nhân

Theo Y học hiện đại |YHHĐ|:

  • Tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường;
  • Bệnh lý ở tim: bệnh van tim, rối loạn nhịp tim;
  • Dị dạng mạch não (thường người trẻ tuổi);
  • Một số bệnh lý khác: đa hồng cầu, rối loạn đông máu v.v.

Theo Y học cổ truyền |YHCT|: Bệnh phần nhiều do chính khí hư suy, can phong nội động gây ra, chủ yếu do nội phong, có thể phối hợp với ngoại phong cùng gây bệnh, hiếm khi chỉ do ngoại phong gây ra. Cụ thể, người ta thường nói tới 3 loại nguyên nhân sau:

  • Tình chí tổn thương, sinh hoạt mất bình thường, âm dương trong người rối loạn, đặc biệt là thận âm thiếu, tâm hoả bốc mạnh sinh phong hỏa, can không được nuôi dưỡng, dương bốc lên trên, cuối cùng can phong bạo phát gây bệnh.
  • Ăn uống không điều độ, lao lực quá sức, tỳ không kiện vận, thấp tụ sinh đàm, đàm uất hoá nhiệt sinh phong, phong đàm quấy nhiễu bên trên, che kín thanh khiếu xuyên vào kinh lạc mà đột nhiên phát bệnh.
  • Cơ thể mỗi người khác nhau, cũng có thể do kinh lạc hư trống phong tà xâm nhập gây nên, do người vốn âm hư dương cang, đàm trọc quá thịnh, lại thêm ngoại cảm phong tà thúc đấy nội phong mà gây bệnh.
  • Như vậy, về cơ chế bệnh sinh thấy nổi lên sự tác động qua lại của các yếu tố: Phong (can phong); hoả (tâm hoả, can hoả), đàm (thấp đàm, phong đàm), khí (khí hư, khí nghịch), huyết (huyết ứ)
  1. Hậu quả
  • Loét do đè ép: do người bệnh nằm nhiều gây chà xát, viêm nhiễm rồi loét một số vùng tiếp xúc trực tiếp với mặt giường như vùng cùng cụt, gót chân, khuỷu tay, bả vai….;
  • Co rút, co cứng, cốt hoá lạc chỗ: các khớp không hoạt động lâu ngày dẫn đến xơ chai, vôi hóa, kết quả là hạn chế vận động, mất hoàn toàn chức năng của khớp;
  • Loãng xương, gãy xương;
  • Viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch;
  • Rối loạn đại tiểu tiện do nằm thời gian dài, trương lực cơ vòng giảm khiến không tự chủ được nhị tiện.

ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

  1. Điều trị: 

Điều trị không dùng thuốc VLTL – PHCN

Giai đoạn đầu:

  • Các kỹ thuật vị thế: Luôn đặt chi ở tư thế sinh lý, thay đổi tư thế nằm liên tục bằng cách nằm đệm nước hoặc đệm không khí.
  • Tập vận động thụ động nửa người bên liệt:
  • Khớp vai: Gấp, duỗi, giạng, khép, xoay trong, xoay ngoài
  • Khớp khuỷu: Gấp, duỗi khuỷu, quay sấp, xoay ngửa cẳng tay.
  • Khớp cổ tay: Gấp, duỗi, nghiêng trong, nghiêng ngoài khớp cổ tay.
  • Các ngón tay: Gấp , duỗi, giạng, khép các ngón tay.
  • Khớp háng: Gấp, duỗi, giạng, khép, xoay trong , xoay ngoài.
  • Khớp gối: Gấp, duỗi.
  • Khớp cổ chân: Gấp, duỗi.
  • Các ngón chân: Gấp, duỗi, giạng, khép.

Giai đoạn sau:

  • Tập theo tầm vận động: tập có trợ giúp, vận động chủ động, vận động đối kháng.
  • Tập vận động chủ yếu ở các tư thế: nằm, ngồi, đứng.
  • Tập cơ lực cho cánh tay bằng cách cho người bệnh cầm 1 cuốn sách rồi tăng dần khối lượng, yêu cầu người bệnh giữ không để rơi.
  • Tập các động tác phức tạp nhằm phục hồi các động tác khéo léo của bàn tay như tập cử động riêng lẻ từng ngón, tập chạm 2 ngón, tập cầm nắm, tập viết…
  • Tập đứng lên, dồn trọng lượng lần lượt lên 2 chân, rồi dồn sang bên chân liệt (lưu ý là bài tập này cần có người hỗ trợ, nếu không có thì cần cầu thang vịn 2 bên), cuối cùng là giữ thăng bằng không cần hỗ trợ.
  • Dìu bệnh nhân tập bước đi, chỉnh dáng đi sao cho người bệnh bước đều 2 chân. Lưu ý là cần người có chuyên môn tập cùng người bệnh để đạt hiệu quả cao.
  • Tập vận động với các dụng cụ trợ giúp như ròng rọc, dây thun, bi sắt, bút, thìa…
  • Tập thực hiện các hoạt động tự chăm sóc (hoạt động trị liệu).
  • Tập nói, giao tiếp (với những bệnh nhân thất ngôn).

Giai đoạn hoà nhập:

  • Tư vấn cho BN và gia đình: phòng ngừa di chứng và tai biến tái phát.
  • Cải tạo nhà ở và môi trường xung quanh cho phù hợp với bệnh nhân.
  • Các dụng cụ trợ giúp cần thiết cho giai đoạn này: trợ giúp đi lại, trợ giúp sinh hoạt, trợ giúp làm việc…
  • Tham gia các hoạt động hoà nhập cộng đồng: nhóm trợ giúp, hội người tàn tật, tiếp cận các dịch vụ công cộng, các hoạt động của cộng đồng.
  • Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình về tâm lý sau tai biến: có những chức năng không thể phục hồi, người bệnh trở thành người tàn tật.
  • Việc làm và thu nhập: khả năng tiếp tục nghề cũ, hoặc bệnh nhân phaỉ học một nghề mới hoặc có những hoạt động gì tạo thu nhập?

Điều trị không dùng thuốc YHCT – VLTL:

1. Châm cứu: Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 30 phút, mỗi đợt điều trị 7-10 ngày, nghỉ 2-3 ngày lại châm đợt khác

  • Phương huyệt:
  • Mặt: Nhân trung, Thừa tương, Giáp xa xuyên Địa thương, Nghinh hương, Ế phong, Quyền liêu, Phong trì, Toản trúc xuyên Tình minh, Dương bạch xuyên Ngư yêu, Ty trúc không xuyên Đồng tử liêu
  • Tay: Kiên ngung xuyên Tý nhu, Khúc trì xuyên Thủ tam lý, Ngoại quan xuyên Nội quan, Dương trì, Hợp cốc xuyên Lao cung, Khúc trạch, Thần môn, Bát tà
  • Chân: Phục thỏ, Lương khâu, Túc tam lý, Dương lăng tuyền xuyên Âm lăng tuyền, Huyền chung, Côn lôn xuyên Thái khê, Giải khê, Túc lâm khấp, Trung đô, Huyết hải.
  • Lưng và mặt sau chân: Kiên tỉnh, Đại trữ, Thiên tông, Giáp tích, Can du, Thận du, Hoàn khiêu, Thừa phù, Ân môn, Uỷ trung, Thừa Sơn.
  • Toàn thân: Châm tả Thái xung, Hành gian, châm bổ Tam âm giao
  • Nếu ù tai châm các huyệt Nhĩ môn, Thính cung, Thính hội.
  • Nếu đau cứng cổ gáy châm tả Đại chùy, Đại trữ.
  • Nếu nói ngọng: châm Liêm tuyền, Thượng liêm tuyền, Á môn, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch.
  • Nếu đái ỉa không tự chủ: châm Trung cực, Đại trường du, Bàng quang du, Tam tiêu.

2. Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các đông tác xoa, xát, phân, hợp, day, ấn, miết, bấm… tập trung nửa người bên liệt

2. Thủy châm: Vitamin nhóm B liều cao, Vitamin C nếu có nhiệt nhiều.

3. Nhiệt trị liệu: sử dụng biện pháp Hồng ngoại, Cứu ngải, xông thuốc…có tác dụng gia tăng tuần hoàn nuôi dưỡng, tăng cường chuyển hóa, thư giãn cơ khớp, hành khí hoạt huyết

Điều trị thuốc YHHĐ

  • Điều trị theo nguyên nhân: thuốc chống tăng huyết áp, thuốc điều hoà đường máu, thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, thuốc điều hoà huyết não v.v…
  • Chống phù não (nếu có): manitol 05 – 5 g/lần truyền tĩnh mạch 20 – 30 phút
  • Kiểm soát huyết áp: Giai đoạn cấp cứu có thể dung nifedipin truyền tĩnh mạch 5 – 15 mg/giờ,
  • Thuốc chống đông và ức chế tiểu cầu với Thiếu máu não cục bộ
  • Thuốc tiêu huyết khối khi chẩn đoán xác định Thiếu máu não (không có xuất huyết não) đến sớm trước 3h kể từ khi khởi phát
  • Thuốc bảo vệ thần kinh: cerebrolysin, Nootropyl…
  • Điều trị co cứng: Baclofen, Seduxen…

Điều trị thuốc YHCT

Can phong:

  • Pháp điều trị: tư âm tiềm dương, khứ phong thông lạc (trấn can, tức phong)
  • Bài thuốc: Bình can tức phong thang gia giảm
  1. Phong đàm
  • Pháp điều trị: Kiện tỳ trừ thấp thanh đàm, tức phong, thông lạc
  • Bài thuốc: Đạo đàm thang gia giảm

Chứng bế:

  • Pháp điều trị: Thanh nhiệt, hóa đàm, khai khiếu, tỉnh thần, tức phong.
  • Bài thuốc: Linh dương giác câu đằng ẩm gia giảm

Chứng thoát:

  • Pháp điều trị: Phù chính cố thoát, ích khí hồi dương (Hồi dương cố thoát)
  • Bài thuốc: Sinh mạch tán gia giảm

Giai đoạn Di chứng:

  • Pháp điều trị: Thông kinh hoạt lạc hay hoạt huyết hóa ứ
  • Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm, long đởm tả can thang, bát trân thang…

Phòng bệnh

  • Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ là một trong những khâu quan trọng nhất trong phòng ngừa tai biến mạch máu não;
  • Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh huyết ap, tim mạch, đái tháo đường…;
  • Thay đổi lối sống: cần phải cai thuốc lá tuyệt đối, ăn ít mỡ động vật, nên ăn dầu thực vật, tránh căng thảng, tăng cường vận động thể lực thể dục thể thao.