Hội-chứng-cổ-vai-cánh-tay-2-300x300

Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Hội chứng ống cổ tay là tập hợp của các triệu chứng đặc hiệu gồm cảm giác châm chích, tê, yếu, đau của các đầu ngón tay, ngón cái, bàn tay và hiếm hơn là cánh tay. Các triệu chứng xuất hiện khi có áp lực tác động vào thần kinh giữa trong cổ tay.

Theo Y học cổ truyền |YHCT|: Các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay được mô tả trong chứng Ma mục của Y học cổ truyền.

 

 

 

 

 

 

 

TRIỆU CHỨNG

  • Bệnh nhân thường đau, dị cảm, tê cứng ở ba ngón rưỡi do thần kinh giữa chi phối, nhưng cũng có lúc tê cả bàn tay. Đau và tê tay có thể lan lên cẳng tay, khuỷu hoặc vai;
  • Chứng tê này thường xuất hiện về đêm ,có thể đánh thức bệnh nhân dậy, và giảm đi khi nâng tay cao hoặc vẫy cổ tay như vẫy nhiệt kế;
  • Trong ngày, khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe máy, xách giỏ đi chợ, làm việc bàn giấy, sử dụng máy tính… thì tê xuất hiện lại;
  • Lúc đầu tê có cơn và tự hết mà không cần điều trị. Sau đó cơn tê ngày càng kéo dài. Có những bệnh nhân bị tê rần suốt cả ngày;
  • Gõ trên ống cổ tay ở tư thế duỗi cổ tay tối đa gây cảm giác đau hay tê giật lên các ngón tay.Khi gấp cổ tay tối đa (đến 90º) trong thời gian ít nhất là 1 phút gây cảm giác tê tới các đầu ngón ta;
  • Giảm hoặc mất cảm giác châm chích vùng da do thần kinh giữa chi phối;
  • Sử dụng phương pháp đo điện cơ hoặc siêu âm đầu dò tần số cao để góp phần giúp chẩn đoán chính xác hội chứng ống cổ tay.

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

  1. Nguyên nhân

Theo Y học hiện đại |YHHĐ|:

  • Có thể là sự hẹp lòng ống cổ tay do gãy lệch xương, như gãy đầu dưới xương quay; Trật khớp như trật xương bán nguyệt ra trước.
  • Bất thường giải phẫu: các gân gấp bất thường, ống cổ tay nhỏ bẩm sinh, nang hạch, bướu mỡ, huyết khối động mạch.
  • Nhiễm trùng: bệnh Lyme, nhiễm Mycobacterium, nhiễm trùng khớp.
  • Bệnh mô liên kết: gout hoặc giả gout, viêm khớp dạng thấp, viêm bao gân gấp không đặc hiệu (thường gặp).
  • Bệnh chuyển hóa: bệnh to đầu chi, bệnh thoái hóa tinh bột, tiểu đường, nhược giáp, suy tim sung huyết, phù, béo phì, mang thai.

Theo y học cổ truyền |YHCT|:

  • Do ngoại tà như phong, hàn, thấp gây bệnh. Phong, hàn, thấp thừa cơ vệ biểu suy yếu mà xâm nhập làm kinh lạc bị tắc trở sinh ra chứng tê. Tùy theo tính chất của tê mà định được loại tà khí gây bệnh (phong tính hay động, lưu ở bì phu nên tê có cảm giác như trùng bò; thấp có tính nặng nề và ảnh hưởng đến phần cơ; hàn tính nê trệ và dễ tổn thương dương khí).
  • Do bệnh lâu ngày, ẩm thực bất điều hoặc phòng thất không điều độlàm thể chất suy yếu, khí bị hư suy. Khí hư dẫn đến vệ ngoại bất cố, phong hàn thấp tà dễ xâm nhập; đồng thời, khí hư dẫn đến khí trệ làm huyết không được vận hành. Toàn bộ cơ chế trên dẫn đến kinh mạch bị rỗng, da cơ không được ôn ấm và nuôi dưỡng làm xuất hiện triệu chứng tê.
  • Do huyết dịch không đầy đủ (sau sinh, thiếu máu hoặc bệnh lâu ngày): tân và huyết có tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng cơ da. Tân và huyết thiếu khiến kinh lạc, cơ, biểu, bì mao không được nuôi dưỡng gây nên chứng tê; nặng sẽ đến chứng nhục nuy. 
  1. Hậu quả
  • Lúc đầu, các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay xuất hiện và tự nhiên biến mất, nhưng khi tình trạng xấu hơn, các triệu chứng sẽ không thuyên giảm. Đau có thể lan lên cánh tay rồi lan lên vai;
  • Theo thời gian, nếu không được điều trị, hội chứng ống cổ tay có thể dẫn đến teo cơ ở mô cái bàn tay. Ngay cả khi được điều trị, sức mạnh của cơ và cảm giác không bao giờ có thể được hồi phục hoàn toàn: Run tay, viết khó, dễ làm rớt đồ vật, khó có thể làm những công việc đơn giản kể cả sinh hoạt hàng ngày.
 ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

Điều trị:

1. Điều trị không dùng thuốc

  • Nhiệt trị liệu: hồng ngoại, xông thuốc, cứu ngải…thường sử dụng trong giai đoạn bán cấp
  • Điện trị liệu: châm cứu tác dụng kích thích huyệt đạo, tăng cường , lưu thông khí huyết, có thể giúp hồi phục chức năng thần kinh và làm thuyên giảm triệu chứng
  • Xoa bóp mô mềm cổ tay
  • Siêu âm trị liệu
  • Di động khớp cổ tay
  • Các bài tập cổ tay và bàn tay
  • Máng nẹp cổ tay
  1. Điều trị thuốc YHCT

Thể phong hàn thấp bế

  • Pháp trị: khu phong tán hàn, sơ thấp trục tà, ôn kinh thông lạc.
  • Bài thuốc điều trị: Quyên bế thang + Quế chi thang

Thể khí hư

  • Pháp trị: bổ khí trợ vận, hoạt huyết vinh chi.
  • Bài thuốc điều trị: Bổ trung ích khí thang gia giảm

Thể huyết hư

  • Pháp trị: dưỡng huyết, hoạt huyết, xung mạch, nhuận chi.
  • Bài thuốc điều trị: Tứ vật thang gia đan sâm

2. Ðiều trị thuốc YHHĐ:

  • Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID);
  • Vitamin nhóm B
  • Chích corticoide vào ống cổ tay để tạo hiệu quả giảm đau tốt nhưng phải lưu ý chống chỉ định sử dụng ở phụ nữ có thai hay cho con bú (6 tháng tuổi);Nẹp cổ tay;

Ðiều trị phẫu thuật (cân nhắc khi điều trị bảo tồn không đạt hiểu quả): mở rộng ống cổ tay bằng cách xẻ mạc giữ gân gấp. Ðiều chỉnh các khối can xương hay xương trật để ống cổ tay không bị hẹp và không gây đè trực tiếp vào sợi thần kinh giữa, giải phóng dây thần kinh giữa khỏi vùng bị chèn ép.

Phòng bệnh

  • Để ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay nên duy trì cân nặng vừa phải ,không hút thuốc và tập thể thao để duy trì sức khỏe và sự dẻo dai.
  • Nếu bị các bệnh mãn tính như thấp khớp hoặc tiểu đường thì nên làm theo lời hướng dẫn của các chuyên gia y tế để giữ tình trạng bệnh trong khả năng kiểm soát.
  • Nên cố gắng giữ cổ tay ở tư thế thoải mái trong khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại hoặc trong khi hoạt động tay ở tư thế không thuận tiện.
  • Khi làm việc nên ngồi ở tư thế đúng, thỉnh thoảng thay đổi tư thế hoặc đứng lên đi lại. Cần lưu ý đến tư thế khi làm việc:
  • Giữ cho bàn tay trên cùng mặt phẳng với cẳng tay
  • Không nắm dụng cụ quá mạnh
  • Không gõ bàn phím quá mạnh
  • Gổi tay nếu có thể được
  • Nghỉ thư giãn mỗi 15-20 phút
  • Giữ tay ấm
  • Không gối đầu trên tay khingủ
  • Nếu thấy có sự xuất hiện các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thì nên dừng hoặc giảm các hoạt động gây áp lực lên ngón tay ,bàn tay,cổ tay hoặc cố thay đổi tư thế hoạt động, xoa bóp cổ tay để có thể phục hồi khả năng tuần hoànmáu cho các nhóm cơ của vùng cổ tay, tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ, tay
  • Chế độ ăn giàu vitamin, đặc biệt là viatmin B6