- Theo Y học cổ truyền |YHHĐ|: Hội chứng cổ vai cánh tay, còn gọi là hội chứng vai cánh tay hay bệnh lý rễ tủy cổ, là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm.
- Theo Y học cổ truyền |YHCT| : Hội chứng cổ vai gáy còn được gọi là Lạc chẩm thuộc phạm vi chứng Tý của Y học cổ truyền.Chứng tý là một trong những chứng chủ yếu của YHCT, tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông. Tý vừa được dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh như là tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở da thịt, khớp xương; vừa được dùng để diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.
TRIỆU CHỨNG
- Theo Y học hiện đại |YHHĐ|:
- Đau cổ gáy cấp tính: xuất hiện đột ngột, sau một đêm ngủ dậy do gối đầu lệch hoặc sau lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, lạnh… thấy đau vùng gáy một bên lan lên cùng chẩm. Đau làm đầu vẹo sang một bên không quay về bên kia được do cơ bên đau bị co cứng phản xạ.Thường khỏi sau vài ngày và hay tái phát;
- Đau vùng gáy mạn tính: Đau âm ỉ cổ vai gáy, khi tăng khi giảm, lan ít, khó vận động một số động tác vì đau, đôi khi thấy lạo xạo khi quay cổ;
- Đau vùng gáy âm ỉ tăng từng cơn nhất là về đêm, lan lên vùng chẩm và xuống vai và cánh tay. Thường đau sâu trong cơ, xương với cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau cổ thường giảm nhanh trong khi đau vai và tay thì ngày một tăng. Đau có tính chất cơ học, đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ; đau giảm khi nghỉ ngơi, khi kéo giãn cột sống cổ…;
- Nếu chèn ép tuỷ cổ:
+ Chèn ép tuỷ mức độ nhẹ: rối loạn vận động làm mất tính khéo léo của bàn tay trong các động tác như viết, cài cúc áo, đánh máy vi tính; hai chân cảm giác căng cứng, đi lại khó khăn; có thể thấy tăng nhẹ các phản xạ gân xương;
+ Chèn ép tuỷ mức độ nặng: chân tay còn vận động được nhưng đi lại rất khó hoặc không đi lại được, mất khả năng tự phục vụ cá nhân, các phản xạ gân xương tăng rõ. Mức độ rất nặng gây liệt hoàn toàn tứ chi;
+ Có thể có hiện tượng yếu cơ, rối loạn cảm giác như rát bỏng, kiến bò, tê bì ở vùng vai, cánh tay, hoặc ở bàn tay và các ngón tay. Giảm hoặc mất phản xạ gân xương do rễ thần kinh chi phối bị chèn ép - Hội chứng động mạch sống – nền;
- Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt, đôi khi có giảm thị lực thoáng qua;
- Rung giật nhãn cầu, hội chứng tiểu não, hội chứng giao bên.
- Theo Y học cổ truyền |YHCT|:
- Do phong hàn: Đầu, gáy, vai và lưng trên đau, gáy cứng, có nhiều điểm đau ở cổ, có cảm giác như nhịp đập ở cổ, cử động khó khăn, tay chân tê, đau, mỏi, chi trên có cảm giác nặng, không có sức, thích ấm, sợ lạnh, lưỡi mỏng, trắng nhạt, mạch Phù, Hoãn hoặc Khẩn
- Khí trệ huyết ứ: Đầu, gáy, vai, vai lưng đau, tê, đau ê ẩm, đau vùng nhất định, ban ngày đỡ, ban đêm đau nhiều hơn, ấn vào đau, chân tay tê mỏi, co rút (đêm bị nhiều hơn ngày), miệng khô, lưỡi đỏ tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch Sáp, Huyền;
- Can thận âm hư: Gáy, vai, lưng đau, có khi đau lan lên đầu, tay chân tê, mất cảm giác, thắt lưng đau, đầu gối mỏi, chóng mặt, hoa mắt, gò má đỏ, mồ hôi trộm, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, mạch Tế, Sác.
NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Hội chứng cổ vai thường do các nguyên nhân sau gây ra.
Thoái hóa cột sống cổ.
- Thoái hoá đốt sống: tạo nên các gai xương, dẫn đến hẹp lỗ ghép; trượt thân đốt và hẹp ống sống, hẹp lỗ động mạch thân nền.
- Thoái hoá đĩa đệm: gồm tổn thương nhân nhày mất nước, vòng sợi giảm chiều cao và có nhiều vết rách (nứt), dẫn tới hẹp đĩa đệm và các đốt sống tiến lại gần nhau hơn, làm thay đổi sự hài hòa của các khớp đốt sống và làm thay đổi lỗ tiếp hợp.Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:
- Là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau thần kinh cổ vai tay. Thoát vị đĩa đệm bao gồm nhiều mức độ từ phình, lồi đến thoát vị thực thụ có mảnh rời hoặc không.Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác như khối u, viêm …
Theo Y học cổ truyền |YHCT|:
- Do ngoại nhân: Thường do phong hàn, phong thấp, phong nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm lấn vào các kinh túc thái dương bàng quang, hoặc do kinh khí của hai kinh trên bị bế tắc, khí huyết không lưu thông (chứng tý = bế tắc khụng thụng).Thụng thì bất thống, thống tắc bất thụng.Bệnh lâu ngày sẽ làm hư tổn đến chính khí;
- Do nội nhân: Do chính khí cơ thể bị hư, rối loạn chức năng của các tạng phủ nhất là hai tạng can và thận. Can tàng huyết, can chủ cân có liên quan đến phủ đởm, can hư không tàng được huyết, không nuôi dưỡng được cân làm huyết kém, cân yếu mỏi hoặc co rút. Thận chủ cốt tủy, thận hư xương cốt yếu;
- Do bất nội ngoại nhân: Do lao động quá sức như bê vác nặng, hoặc do bị sang chấn (bị ngã, bị đánh…) làm khí huyết ứ trệ gây nên đau, hạn chế vận động .
2. Hậu quả
- Tiên lượng nhìn chung là tốt nếu được điều trị thích hợp;
- Điều trị nội khoa bảo tồn có hiệu quả trong 80-90% trường hợp. Đa số bệnh nhân sẽ hết các triệu chứng sau khi được điều trị bảo tồn, Một số bệnh nhân dù được điều trị vẫn có thể còn những di chứng như: không hết hoàn toàn các triệu chứng, vận động cột sống cổ không trở về mức độ bình thường, mất độ ưỡn tự nhiên của cột sống cổ;
- Những trường hợp chèn ép rễ hoặc tủy cổ nặng có thể gây rối loạn nặng cảm giác và vận động.
ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH
1. Điều trị
Điều trị không dùng thuốc VLTL -PHCN
- Nhiệt trị liệu: Chườm ngải cứu, Hồng ngoại lên vùng cổ gáy 30 phút 2-3 lần/ngày;
- Điện trị liệu: các dòng điện xung, điện phân dẫn thuốc, dòng giao thoa…;
- Siêu âm trị liệu;
- Nẹp cổ mềm có thể được sử dụng trong giai đoạn cấp để giảm tầm vận động gập duỗi cổ (khoảng 26%), làm giảm đau. Sử dụng nẹp cổ mềm chỉ nên giới hạn trong trong 1-2 tuần đầu để tránh sự suy yếu mô mềm do bất động kéo dài;
- Kéo nắn cột sống cổ: được thực hiện bởi các chuyên gia kéo nắn, có tác dụng trong trường hợp tắt nghẽn vận động cột sống;
- Kéo giãn cột sống cổ: mục đích làm rộng các khe khớp, các lỗ ghép giảm chèn ép các rễ thần kinh; giãn cơ làm giảm co cứng cơ; giảm đau, điều chỉnh thoát vị đĩa đệm;
- Châm cứu: các huyệt Phong trì, Kiên ngung, Kiên tỉnh, Thiên tông, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc, Bát tà;
- Xoa bóp bấm huyệt vùng cổ vai cánh tay: xoa bóp có tác dụng để giảm đau và chống phù nề, tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng;
- Vận động trị liệu: có tác dụng giảm đau, phục hồi tầm vân động cột sống, tăng sức mạnh của cơ:
+ Các bài tập thụ động theo tầm vận động cột sống cổ;
+ Các bài tập có kháng trở làm tăng sức mạnh cơ vùng cột sống cổ
Điều trị dùng thuốc Y học hiện đại |YHHĐ|:
Mục đích: giảm đau, tăng cường cơ lực, phòng ngừa tổn thương tủy, phòng tái phát;
- Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid: Diclophenac, Piroxicam….;
- Thuốc giãn cơ: Myonal, Mydocalm;
- Vitamin nhóm B: liều cao có tác dụng giảm đau chống viêm, chống thoái hóa thần kinh (B1, B6, B12);
- Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Viarthril S…
Điều trị dùng thuốc YHCT:
- Do phong hàn
+ Pháp điều trị: Khu phong tán hàn thông kinh lạc;
+ Bài thuốc: Quyên tý thang, Ma hoàng quế chi thang. - Do Huyết ứ:
+ Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ;
+ Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia giảm. - Do can thận hư:
+ Pháp điều trị: Bổ can thận, thông kinh hoạt lạc;
+ Bài thuốc: Quyên tý thang gia giảm
Điều trị phẫu thuật
Chỉ định tuyệt đối:
- Thoát vị đĩa đệm cấp tính do chấn thương;
- Bệnh lý cột sống cổ (thoát vị, thoái hóa) gây yếu hoặc liệt do chèn ép thần kinh;
- Bệnh lý cột sống cổ có hội chứng giao cảm cổ sau mức độ nặng mà trên phim chụp động mạch phát hiện gai xương chèn ép động mạch đốt sống.
Chỉ định tương đối:
- Thoát vị đĩa đệm gây đau nhiều có tính chất cố định mà điều trị nội khoa không có kết quả.
- Thoát vị đĩa đệm mất vững cột sống do thoái hoá đĩa đệm gây nên.
2. Phòng bệnh
- Trong sinh hoạt và công việc hàng ngày cần chú trọng tư thế đúng, sinh cơ học, tránh mang vác nặng và lập lại, cũng như các động tác duỗi, xoay và nghiêng cổ cùng bên đau;
- Duy trì tư thế đầu và cổ thích hợp trong sinh hoạt, công việc, học tập và các hoạt động thể thao, tránh những tư thế ngồi, tư thế làm việc gây gập cổ, ưỡn cổ hoặc xoay cổ quá mức kéo dài, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu, chú ý tư thế ngồi và ghế ngồi thích hợp;
- Thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng;
- Tránh gió lạnh ẩm thấp.