Stress-1-300x300

  1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Stress là phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.
  2. Theo Y học cổ truyền |HCT| :
  • Không có định nghĩa riêng về Stress nhưng nó nằm trong rất nhiều các chứng: tâm căn suy nhược, đầu thống, dương vượng, khí trệ, huyết ứ, chứng tý…;
  • Y học cổ truyền nhìn nhận toàn diện về con người như là một chỉnh thể thống nhất có hệ thống tương tác giữa thể chất và tinh thần với sự thay đổi của môi trường nhằm luôn giữ cân bằng trạng thái của cơ thể. Stress ảnh hưởng đến lưu thông khí huyết trong cơ thể (Nguyên khí) đặc biệt là Can khí, Tỳ khí và Thận khí;
  • Sự bế tắc của khí huyết qua thời gian có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng như hội chứng mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

TRIỆU CHỨNG

Những triệu chứng của stress rất đa dạng với mỗi cá nhân riêng biệt. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:

Những biểu hiện về cảm xúc

  • Cảm thấy khó chịu;
  • Cảm thấy lo lắng hoặc cảng thẳng;
  • Cảm thấy buồn bã;
  • Cảm thấy chán nản, thờ ơ;
  • Cảm thấy đánh mất giá trị bản thân;

Những biểu hiện về hành vi

  • Nổi cáu, bực bội hoặc nóng tính;
  • Sử dụng các chất kích thích như rượu hoặc thuốc lá;
  • Xáo trộn các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống hoặc giấc ngủ của bạn;
  • Bỏ qua những hành vi thông thường, mất tập trung;
  • Trở nên vô lý trong những quyết định của mình;
  • Hay quên hoặc trở nên vụng về;
  • Luôn vội vàng và hấp tấp;
  • Ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít.

Những triệu chứng về thể chất

  • Đau đầu;
  • Căng hoặc đau cơ bắp;
  • Đau bụng;
  • Đồ mồ hôi;
  • Cảm thấy chóng mặt;
  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Khó thở hoặc đau ngực;
  • Khô miệng;
  • Ngứa trên cơ thể;
  • Có vấn đề về tình dục.

Nếu có một số những biệu hiện trên đây cho thấy chỉ dấu của stress cấp tính.

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

1. Nguyên nhân
Theo Y học hiện đại |YHHĐ|

  • Môi trường bên ngoài:Thời tiết, tiếng ồn, giao thông, bụi, và sự ô nhiễm;
  • Những căng thẳng từ xã hội và gia đình:Thời hạn của công việc phải hoàn thành, các vấn đề tài chính, công việc, các bài trình bày, mâu thuẫu, yêu cầu về thời gian và sự tập trung sức lực vào công việc hay gia đình, mất mát người thân, mâu thuẫn trong gia đình, bạn bè…;
  • Các vấn đề về thể chất:Thay đổi cơ thể, ốm đau, không đủ chất dinh dưỡng…;
  • Suy nghĩ của các bạn:Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thường đó là những suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ: Nếu trượt đại học, tương lai của tôi thật mù mịt; Nếu tôi không làm được thì mọi người sẽ cười chê tôi.

Theo Y học cổ truyền |YHCT|

  • Trạng thái tâm lý của con người bị kích thích quá mạnh hoặc kéo dài,ăn uống và lao động không hợp lý, lao lực quá độ, nghỉ ngơi quá nhiều không tham gia lao động và rèn luyện thể lực… ảnh hưởng tới sinh lý của cơ thể, khiến cho công năng của các tạng phủ, khí huyết bị rối loạn mới phát sinh ra bệnh tật.

2. Hậu quả

  • Vì stress là một phần của cuộc sống, hàng ngày bạn luôn chịu một lượng stress nhất định. Nhưng stress chỉ trở nên là vấn đề khi nó ở mức độ cao trong một thời gian dài hoặc khi bạn gặp phải rất nhiều vấn đề căng thẳng trong một thời gian ngắn;
  • Khi các triệu chứng của stress tăng lên, cơ thể của bạn phải làm việc vất vả hơn để đối phó với chúng. Năng lượng bị tiêu tốn để duy trì huyết áp bình thường, giảm lo âu. Bên cạnh đó những hoàn cảnh thực tế lại yêu cầu bạn phải tập trung sức lực và tâm trí để ứng phó. Nếu tình huống đó kéo dài, cơ thể bạn sẽ dẫn đến tình trạng kiệt sức nhanh chóng;
  • Trường hợp stress kéo dài, bạn có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về mặt sức khỏe như: đau tim, tăng huyết áp, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng ham muốn và khả năng tình dục, đau dạ dày …

ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

1. Điều trị

Nguyên tắc chung: 
Stress gây nhiều rối loạn sinh học, thần kinh, tâm thần và cơ thể cho nên phải điều trị toàn diện và kết hợp nhiều liệu pháp lấy liệu pháp tâm lý là chủ yếu:

  1.  Liệu pháp tâm lý thích hợp;
  2. Điều trị bằng các thuốc hướng thần;
  3. Vitamine, chất khoáng.

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị bằng liệu pháp tâm lý:

  • Liệu pháp thư giãn: nhằm tạo ra một đáp ứng sinh lý để đối kháng lại phản ứng stress. Thư giãn có thể làm giảm nhịp tim, nhịp thở, giảm mức tiêu thụ oxy, giảm huyết áp, giảm lưu lượng máu nội tạng có lợi cho các cơ ở ngoại biên. Thư giãn cũng làm giảm căng thẳng của cơ trơn và cơ vòng;
  • Liệu pháp tập tính: Điều trị tập tính bao gồm việc đánh giá các rối loạn chức năng, đề xuất các mục tiêu và phương pháp điều trị đặc biệt;
  • Điều chỉnh lại cách sống: phải làm cho đối tượng ý thức rõ rệt lợi ích của sự cân bằng hài hoà giữa hoạt động và thư giãn để tăng cường sức đề kháng với stress;
  • Khẳng định bản thân: Giúp bệnh nhân làm chủ được tình huống, cho bệnh nhân tập đối phó lại với các tình huống stress;
  • Liệu pháp nhận thức: chú trọng đến cách đánh giá chủ quan của người bệnh về tình huống stress, đặc biệt xử lý thông tin nhằm xác định rõ hoàn cảnh đưa đến tình huống stress, đồng thời đánh giá khả năng đương đầu với stress của người bệnh một khi đã xác định các sai lệch chủ yếu, để tìm cách điều chỉnh chung.
    Mục tiêu là chỉnh đốn lại các nhận thức giúp bệnh nhân tiến bộ xử lý các thông tin trước một tình huống stress, làm cho quá trình thích nghi tốt hơn tức là tăng cường khả năng đương đầu với stress.

Châm cứu giúp hoạt hóa và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể để chống chọi với Stress, tăng cường tuần hoàn máu và cung cấp oxygen đến mô và tổ chức, làm cho khí huyết lưu thông khắp cơ thể thông qua hệ kinh lạc giúp ngăn ngừa Stress.

Xoa bóp bấm huyệt trị liệu giúp thư cân hoạt lạc, tăng cương lưu thông khí huyết – “tùng tắc thông, thông tắc bất thống”:

  • Vuốt ấm vành tai, chân mày, 2 bên sống mũi: có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, thúc đẩy khí huyết lưu thông và thư giãn toàn thân;
  • Day ấn huyệt Ấn đường, Nội quan, Thần môn, Tâm âm giao….

Xông hơi thảo dược, Ngâm chân thảo dược có thể giúp tăng cường lưu thông khí huyết, thư giãn cân cơ, an thần

Điều trị dùng thuốc Y học cổ truyền |YHHĐ|

Điều trị bằng các thuốc hướng thần:

  • Các thuốc giải lo âu: dùng để điều trị dự phòng các trường hợp lo âu xuất hiện sớm do các tình huống stress gây ra. Với các phản ứng stress cấp, thuốc giải lo âu làm giảm cường độ và rút ngắn thời gian biểu hiện stress. Với các stress kéo dài thuốc giải lo âu làm giảm các triệu chứng do dó giúp cải thiện khả năng giao tiếp;
  • Các thuốc chống trầm cảm: dùng để điều trị dự phòng nhằm tránh các cơn stress tái phát dưới dạng gia tăng lo âu, còn được dùng để phòng ngừa một số phản ứng ám ảnh sợ của stress. Trong stress bệnh lý kéo dài xuất hiện trầm cảm rõ rệt, dùng thuốc chống trầm cảm ngay từ khi chúng vừa mới xuất hiện;
  • Các thuốc chẹn beta: điều trị dự phòng các cơn lo âu đến trước của stress, các thuốc chẹn beta có tác dụng làm giảm các triệu chứng thần kinh thực vật của tim, do đó tránh hay giảm một cách gián tiếp lo âu tâm thần.
  • Các thuốc đặc hiệu: Ví dụ các thuốc chống loét trong các chứng loét dạ dày do stress.
  • Các thuốc bổ sung khoáng chất và vitamin:
    – Magnesium (Mg): lợi ích của Mg trong việc cân bằng hoạt động của các nơron đặc biệt trong hoạt động của các acid amin gây kích thích;
    – Calcium (Ca): tham gia vào các trao đổi ion khi co cơ và giãn cơ cũng như trong quá trình kiểm soát kích thích thần kinh cơ;
    – Các vitamin: đặc biệt là vitamin nhóm B tham gia vào các giai đoạn chuyển hoá năng lượng, vitamin C cũng giữ vai trò tổng hợp cortisol. Vitamin còn tăng khả năng sức đề kháng của cơ thể.
  • Glucocorticoid: Làm tăng khả năng đề kháng sinh lý của chủ thể đối với stress.

Điều trị thuốc YHCT: Sử dụng các vị thuốc có tác dụng dưỡng tâm an thần, hành khí hoạt huyết: hạt sen, táo nhân, biển đậu, đẳng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, xuyên quy, xuyên khung, trần bì, chỉ xác…

Phòng bệnh:

  • Cải thiện điều kiện cải thiện sinh hoạt và lao động;
  • Cần loại trừ tác động của stress trường diễn, cải thiện mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tập thể, cơ quan, giảm kích thích xấu trong đời sống hàng ngày;
  • Lao động trí óc xen kẽ với lao động chân tay, phổ biến rộng rãi vệ sinh phòng bệnh tâm thần để các thành viên trong cộng đồng biết cách đảm bảo môi trường ít gây ra tình huống stress;
  • Vai trò của nhân cách rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển các rối loạn liên quan đến stress. Stress có gây ra bệnh hay không phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách. Một nhân cách mạnh thì sang chấn tâm thần ác liệt đến đâu cũng mất tính gây bệnh, ngược lại một nhân cách yếu có thể bị bệnh dưới tác dụng của một sang chấn nhẹ. Vì vậy cần có biện pháp bồi dưỡng nhân cách, tuyên truyền giáo dục cho các bậc cha mẹ biết cách giáo dục con cái từ bé để hình thành một nhân cách vững mạnh có nhiều tính cách tốt như: chịu đựng gian khổ, kìm chế bản thân, có ý chí và tinh thần trách nhiệm, có khả năng thích nghi mềm dẻo;
  • Bồi dưỡng cơ thể khoẻ mạnh để tăng sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với stress. Vì vậy hàng ngày cần tập thể dục, thể thao, ăn uống điều độ, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê… điều hoà hợp lý giữa lao động và giải tríđể luôn luôn khoẻ mạnh về thể chất và tâm thần.