Trong lâm sàng thường chia ra ba loại thuốc chống động kinh: Các thuốc có tác dụng với mọi thể động kinh (bao gồm các cơn vắng ý thức điển hình) như: benzodiazepin, acid valproic
Trong lâm sàng thường chia ra ba loại thuốc chống động kinh: Các thuốc có tác dụng với mọi thể động kinh (bao gồm các cơn vắng ý thức điển hình) như: benzodiazepin, acid valproic; Các thuốc có tác dụng với mọi cơn động kinh (trừ các cơn vắng ý thức điển hình) thường dùng là barbituric, hexamidin; Các thuốc chỉ có tác dụng với một vài thể loại động kinh như: suxinimid, oxazolidin, sultiam…
Có phải điều trị mọi trường hợp mắc động kinh không?
Trên nguyên tắc, phải điều trị mọi trường hợp mắc động kinh vì: Dùng thuốc chống động kinh mang lại hiệu quả chắc chắn (hơn 70% trường hợp khỏi cơn lâu dài). Thuốc chống động kinh là phương thức duy nhất để bảo vệ bệnh nhân khỏi có cơn động kinh. Đặc biệt ở nhũ nhi, điều trị chống động kinh nhiều khi là một yêu cầu cấp cứu, dự phòng các nguy cơ di chứng do động kinh gây ra.
Tuy vậy, cần xem xét, cân nhắc khi quyết định dùng thuốc chống động kinh vì: Hiệu lực của mọi thuốc đều có giới hạn; Điều trị chống động kinh mới là điều trị triệu chứng, chưa thể nào ảnh hưởng quyết định tới tiến triển của căn bệnh; Dùng thuốc phải đảm bảo đều đặn, thường xuyên, hàng ngày và lâu dài; Thuốc nào cũng có một số tác dụng phụ thứ phát, dùng không cẩn thận có thể xảy ra tai biến và biến chứng. Thầy thuốc điều trị là người quyết định liều lượng thuốc cũng như chịu trách nhiệm theo dõi trong suốt quá trình dùng thuốc cho bệnh nhân.
Não của người bệnh động kinh.
|
Nguyên tắc điều trị
Có một số nguyên tắc khi điều trị động kinh cần nắm chắc: Thầy thuốc điều trị sau khi đặt chẩn đoán sẽ chọn lựa loại thuốc chống động kinh thích hợp cho tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Liều lượng thuốc chỉ định phải căn cứ vào thể bệnh, loại cơn lâm sàng, thể trạng bệnh nhân. Phần lớn chỉ dùng một loại thuốc nhất định với điều kiện đạt được nồng độ điều trị trong máu có thể đạt được hiệu quả lâm sàng. Thuốc dùng uống là chủ yếu. Thuốc điều trị phải được dùng hàng ngày, đúng và đủ liều quy định, thường xuyên như cơm bữa, bệnh nhân không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng thuốc đột ngột. Người bệnh cần theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh và các biểu hiện thứ phát của thuốc để kịp thời thông báo cho thầy thuốc điều trị biết nhằm điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp với bệnh trạng của bệnh nhân. Không được kết hợp hai thứ thuốc cùng loại với nhau. Ví dụ: phenobarbital với primidon, seduxen với mogadon…
Ngoài ra, trong quá trình điều trị cần kiểm tra thường xuyên công thức máu, các chức năng gan, thận của bệnh nhân. Tuỳ theo từng trường hợp, ngoài thuốc bệnh nhân cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động nghỉ ngơi, giải trí thích hợp.
Trên thế giới việc điều trị ngoại khoa động kinh được đặt ra khi:
– Đó là một động kinh cục bộ, phần lớn là tổn thương cục bộ ở vỏ não, ở đây cần tới vai trò chẩn đoán của chụp cắt lớp vi tính não và các phương tiện chẩn đoán khác.
– Vị trí của ổ động kinh đó nằm ở một vùng có thể giải quyết ngoại khoa được; mặt khác di chứng sau phẫu thuật sẽ rất hạn chế về mặt thần kinh và tâm trí.
– Trường hợp động kinh nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống cơ thể, tâm lý, nghề nghiệp, gia đình, xã hội của bệnh nhân mặc dù đã được kiên trì điều trị nội khoa nhưng không đạt được kết quả mong muốn.
– Bản thân nguyên nhân gây động kinh ở đây có tính chất ngoại khoa và có khả năng giải quyết tốt bằng phẫu thuật, ví dụ như các u màng não, các khối máu tụ, các khối u do ký sinh vật, dị dạng mạch máu não…
Khi nào có thể ngừng điều trị động kinh?
Động kinh là một trạng thái bệnh lý kéo dài và có thể mạn tính tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh đặc biệt là các tổn thương ở não hoặc là một ổ động kinh hoặc là do ngưỡng co giật ở não bị hạ thấp. Vì vậy theo cổ điển cần phải điều trị động kinh một cách lâu dài và kiên trì. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, hoàn cảnh cho phép đặt vấn đề ngừng điều trị động kinh. Ví dụ: Chưa có chẩn đoán chắc chắn là động kinh thì có thể cẩn thận giảm dần liều rồi đi đến cắt bỏ thuốc chống động kinh đồng thời cảnh giác có thể xảy ra trạng thái động kinh; Một số thể lâm sàng có thể ngừng điều trị như động kinh có cơn kịch phát ở vùng đỉnh, động kinh cơn nhỏ ở trẻ em, đông kinh toàn bộ nguyên phát dạng cơn lớn ở trẻ em (chỉ xảy ra 2 – 3 lần một năm), động kinh toàn bộ nguyên phát dạng cơn lớn ở tuổi thiếu niên, động kinh sau chấn thương không tiến triển và không nặng lắm…
Việc ngừng điều trị này phải do thầy thuốc chuyên khoa cân nhắc và quyết định. Nói chung sau 3 – 4 năm với phương thức điều trị đều đặn mà không thấy cơn động kinh tái phát thì có thể ngừng điều trị đối với các thể nói trên. Tiến hành ngừng điều trị bằng cách giảm dần liều điều trị trong thời gian kéo dài hàng tháng, mặt khác tiếp tục theo dõi điện não đồ và nội khoa nói chung.
GS.TS. Lê Đức Hinh