Thần-kinh-tọa-300x300

  1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Đau thần kinh tọa là một thuật ngữ y khoa mô tả tình trạng đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan dọc tới chân;
  2. Đau dây thần kinh tọa được miêu tả trong phạm vi chứng tý của Y học cổ truyền |YHCT| và có bệnh danh: Yêu cước thống, tọa cốt phong, tọa điến phong.
    Tý là bế tắc, chứng tý là chứng kinh mạch bị ngoài tà phong, hàn, thấp xâm phạm làm khí huyết vận hành trong kinh mạch bị trở trệ gây nên bì phu, cân cốt, cơ nhục, khớp xương tê bì, nếu nặng thì co duỗi khó khăn.

 

 

 

 

 

 

TRIỆU CHỨNG

1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|:

  • Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa, đau tại cột sống thắt lưng lan dọc tới chân một hoặc hai bên;
  • Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sàng có khác nhau: Tổn thương rễ L4 đau đến khoeo chân; tổn thương rễ L5 đau lan tới mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I); tổn thương rễ S1đau lan tới lòng bàn chân (gan chân) tận hết ở ngón V (ngón út). Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân. Triệu chứng đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa là quan trọng nhất trong chẩn đoán xác định;
  • Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nằm nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Trường hợp có hội chứng chèn ép: tăng khi ho, rặn, hắt hơi. Có thể có triệu chứng yếu cơ (khó kiễng chân, khó đứng trên đầu ngón chân). Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động (đi lại khó khăn, khó cúi), có thể có tư thế giảm đau, co cứng cơ cạnh cột sống;
  • Có thể có rối loạn cảm giác kèm theo như dị cảm, tê bì, kiến bò, kim châm…dọc theo mặt ngoài hoặc mặt sau cẳng chân lan xuồng bàn chân;
  • Khi ấn dọc đường đường đi của thần kinh tọa có các điểm đau chói;
  • Khi nằm ngửa, nâng 1 chân lên cao, 1 chân duỗi thẳnggây đau dọc dây thần kinh tọa, hạ thấp chân trở lại làm đau giảm hoặc mất;
  • Chụp X quang thường quy bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng: thấy dạng tổn thương cũng như vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u, …).

2. Theo Y học cổ truyền |YHCT|:

  • Đau dây thần kinh tọa do lạnh (hàn tý hay thống tý): Đau sau khi nhiễm lạnh, đau từ thắt lưng hoặc từ mông lan xuống chân, đi lại khó khăn, đau tăng khi lạnh, chườm ấm dễ chịu, thường có điểm đau khu trú, chưa có teo cơ. Toàn thân: Sợ gió, sợ lạnh, tay chân lạnh, chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành, tiểu tiện trong, đại tiện bình thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc phù khẩn;
  • Đau dây thần kinh tọa (phong hàn thấp tý kết hợp với can thận hư): Đau vùng thắt lưng lan xuống chân theo đường di của dây thần kinh hông. Đau có cảm giác tê bì, nặng nề, teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát. Thường kèm theo triệu chứng toàn thân: Ăn kém, ngủ ít, tiểu tiện trong, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng dầy và nhớt, mạch nhu hoãn hoặc trầm nhược;
  • Đau dây thần kinh tọa do huyết ứ: Đau dữ dội tại một điểm, đột ngột lan xuống chân, chất lưỡi đỏ tím, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch sáp.

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

1. Nguyên nhân
Theo Y học hiện đại |YHHĐ|:

  • Tổn thương rễ thần kinh thường gặp nhất (trên 90%), còn lại tổn thương dây và/hoặc đám rối thần kinh. Nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép rễ thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm (thường gặp nhất là đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng); trượt đốt sống; thoái hóa cột sống thắt lưng gây hẹp ống sống thắt lưng. Các nhóm nguyên nhân do thoái hóa này có thể kết hợp với nhau;
  • Các nguyên nhân hiếm gặp hơn: Viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn, u), chấn thương, tình trạng mang thai…

Theo Y học cổ truyền |YHCT|

  • Ngoại nhân: thường là phong hàn, phong nhiệt, hoặc thấp nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào các kinh bàng quang và đởm;
  • Bất nội ngoại nhân: những chấn thương (vi chấn thương) ở cột sống (đĩa đệm) làm huyết ứ lại ở 2 kinh trên.
    Những nguyên nhân này làm cho khí huyết của 2 kinh (bàng quang và đởm) bị cản trở hoặc bị tắc lại, gây nên đau (không thông thì đau). Tùy theo bản chất của nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện của đau sẽ khác nhau.
    Nếu bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của can và thận.

Hậu quả

  • Rối loạn vận động chi dưới: Tổn thương thần kinh tọa tiến triển gây hạn chế vận động một phần hoặc hoàn toàn liệt chi dưới;
  • Rối loạn cảm giác chi dưới: Một biểu hiện tổn thương thần kinh tọa thường gặp là tê buốt quanh khớp háng, mặt sau chân và lòng bàn chân, gây yếu chân. Khi có tê buốt và giảm vận động chân, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời;
  • Rối loạn cơ vòng (cơ tròn): Một tiến triển và biến chứng của tổn thương thần kinh tọa là giảm hoặc mất chức năng cơ vòng đường ruột và bàng quang. Trong trường hợp đau thần kinh tọa cấp tính kèm các triệu chứng bí tiểu tiện, hoặc đại tiểu tiện không tự chủ, bệnh nhân cần được nhập viện ngay để được phẫu thuật giải ép cấp cứu.

ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

1. Điều trị
Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị theo nguyên nhân (thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng);
  • Giảm đau và phục hồi vận động nhanh;
  • Điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa;
  • Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác;
  • Đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính: điều trị giải ép cột sống kết hợp điều trị chuyên khoa.

Điều trị không dùng thuốc Vật lý trị liệu – PHCN

  • Giai đoạn cấp: Nằm giường cứng, tránh võng hoặc ghế bố, tránh các động tác mạnh đột ngột như chạy nhảy, xoay người, mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu;
  • Các kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt đau thần kinh tọa, di động mô mềm: có ích đối với đau thần kinh tọa vì làm tăng tuần hoàn, chuyển hóa và bài tiết, điều hòa quá trình bệnh lý, giãn cơ và giảm đau;
  • Nhiệt trị liệu: có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ, giãn mạch, tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như Hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm;
  • Điện trị liệu: Điện xung, điện phân… có tác dụng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng cường chuyển hóa;
  • Kéo dãn cột sống: Kéo dãn cột sống có thể thực hiện bằng tay trong giai đoạn cấp hoặc bằng máy kéo dãn trong giai đoạn bán cấp và mãn tính, áp dụng 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút. Chỉ định trong các trường hợp thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, có tác dụng làm giảm áp lực nội khớp đồng thời làm căng hệ thống dây chằng quanh khớp, giảm đè ép lên rể thần kinh hoặc đĩa đệm;
  • Thể dục trị liệu: những bài tập kéo giãn cột sống, xà đơn treo người nhẹ có thể giảm đau và giúp giảm chèn ép khi có trồi đĩa đệm. Bơi là thể dục tốt nhất đối với các bệnh nhân này;
  • Một số bài tập cơ lưng giúp tăng cường sức mạnh cột sống, khối cơ, dây chằng và gân trên cơ sở không gây xoắn, vặn cột sống, không gấp cột sống quá mức;
  • Đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.

Điều trị theo Y học cổ truyền |YHCT|
Phép chung:
Ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp

Điều trị cụ thể:

  • Thể Phong hàn thấp:
    + Pháp điều trị: Khu phong tán hàn trừ thấp thông kinh lạc;
    + Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang, Phòng phong thang, Ô đầu thang.
  • Thể phong nhiệt thấp:
    + Pháp điều trị: Khu phong thanh nhiệt trừ thấp, thông kinh lạc;
    + Bài thuốc: Bạch hổ quế chi thang, Quế chi thược dược tri mẫu thang.
  • Thể huyết ứ:
    + Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh lạc;
    + Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia giảm.

Điều trị theo Y học hiện đại |YHHĐ|

  • Chế độ nghỉ ngơi : Nằm giường cứng, tránh võng hoặc ghế bố, tránh các động tác mạnh đột ngột như chạy nhảy, xoay người, mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu;
  • Điều trị thuốc :
    + Thuốc giảm đau: Trường hợp đau nhiều, chỉ định paracetamol kết hợp với opiad nhẹ như Codein hoặc Tramadol;
    + Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID):Ibubrofen, Naproxen, Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib;
    Thuốc giãn cơ: Tolperisone hoặc Eperisone;
    Thuốc giảm đau thần kinh như: Gabapentin, Pregabalin, các vitamin nhóm B hoặc Mecobalamin…;
    Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng: Mục đích giảm đau do rễ trong bệnh thần kinh tọa, tuy nhiên hiệu quả giảm đau ngắn hạn. Trường hợp chèn ép rễ, có thể tiêm thẩm phân corticosteroid tại rễ bị chèn ép dưới hướng dẫn của CT.

Điều trị ngoại khoa

  • Chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại hoặc những trường hợp có chèn ép nặng (hội chứng đuôi ngựa, hẹp ống sống, liệt chi dưới…).
  • Tùy theo tình trạng thoát vị, trượt đốt sống hoặc u chèn ép cũng như điều kiện kỹ thuật cho phép mà sử dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau (nội soi, sóng cao tần, vi phẫu hoặc mổ hở, làm vững cột sống).

Phòng bệnh

  • Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu hoặc lái xe, có thể mang đai lưng hỗ trợ;
  • Tránh các động tác mạnh đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng;
  • Tránh các động tác, tư thế ngồi không có lợi cho hệ xương ví dụ như khi ngồi mà đặt toàn bộ trọng lượng cơ thể xuống mông, hay là ngồi vắt chân nọ lên chân kia sẽ ảnh hưởng tới vùng xương ở lưng và chân;
  • Luyện tập bơi lội hoặc yoga giúp tăng sức bền và sự linh hoạt khối cơ lưng, ngăn ngừa tái phát;
  • Duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp, tránh tình trạng thừa cân béo phì.