Đau-dây-thần-kinh-liên-sườn-2-300x300

  1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|:
  • Đau dây thần kinh liên sườn là một hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân như chấn thương, vận động với cường độ mạnh hay tư thế không đúng hoặc do các bệnh lý liên quan….
  1. Theo Y học cổ truyền | YHCT|:
  • Đau thần kinh liên sườn là một chứng bệnh được miêu tả trong phạm vi chứng Hiếp Thống của Y học cổ truyền
  • Hiếp thống là đau ở một hoặc hai bên mạng sườn. Hai bên mạng sườn là đường tuần hoàn của kinh túc quyết âm và kinh túc thiếu dương, cho nên đau mạng sườn phần nhiều có quan hệ mật thiết đến bệnh của Can đởm.
  • Nội kinh ghi: “Bệnh của Can thì đau ở hai cạnh sườn lan xuống bụng dưới” và “Tà tại Can thì hai cạnh sườn đau, sườn là nơi phân giới tuần hoàn của kinh Đởm nên đau cạnh sườn cũng là bệnh của đởm”.

 

 

TRIỆU CHỨNG

  1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|
  • Căn bệnh này thường được dân gian mô tả bằng các từ “đau ngực”, “tức ngực”, “đau mạng sườn”. Đây là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn;
  • Người bệnh thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải; đau từ trước ngực (xương ức) lan theo “mạng sườn” ra phía sau ở cạnh cột sống. Có thể có điểm đau và hiện tượng tăng cảm giác ở vùng đau khi thầy thuốc khám thăm dò…;
  • Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) hay tổn thương ở đốt sống lưng (lao, ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy);
  • Nhiều trường hợp bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế. Nhiều trường hợp đau do zona liên sườn (virus tấn công vào dây thần kinh). Biểu hiện ban đầu là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức. Bệnh nhân cần chú ý không để vỡ mụn nước vì sẽ làm dải ban đỏ – mụn nước lan rộng, gây chèn ép nhiều nơi.
  1. Theo Y học cổ truyền |YHCT|
  • Đau thần kinh liên sườn do lạnh: Đau liên sườn dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau nhất ở vùng rễ sau lưng, đường nách giữa, sụn ức đòn, ho thở đều đau, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù;
  • Đau thần kinh liên sườn thể Can khí uất nghịch: đau trướng ở một hoặc hai bên sườn, có cảm giác đầy tức, đau di chuyển, khi đau phụ thuộc vào sự thay đổi tình chí mà tăng giảm, ngực trướng khó chịu, hay thở dài, bụng đầy chướng, ăn ít, người dễ cáu gắt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền;
  • Đau thần kinh liên sườn thể Can khí uất nghịch: đau trướng ở một hoặc hai bên sườn, có cảm giác đầy tức, đau di chuyển, khi đau phụ thuộc vào sự thay đổi tình chí mà tăng giảm, ngực trướng khó chịu, hay thở dài, bụng đầy chướng, ăn ít, người dễ cáu gắt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền;
  • Đau thần kinh liên sườn thể  Đàm ẩm lưu trú: Đau cạnh sườn, ngực sườn trướng đau, ho khạc đờm, thở gấp, đoản hơi. Khi ho, khạc đờm, xoay chuyển người và thở mạnh thì đau tăng, rêu  lưỡi trắng, mạch trầm huyền hoặc trầm hoạt;
  • Đau thần kinh liên sườn thể Huyết ứ: Sườn đau như bị dùi đâm, đau cố định, ấn vào đau chói thêm, đêm đau tăng hoặc nổi cục, chất lưỡi tím hoặc có nốt ứ huyết, mạch sáp;
  • Đau thần kinh liên sườn thể Can đởm thấp nhiệt: Đau vùng cạnh sườn, đắng miệng, tâm phiền, ngực tức khó chịu, kém ăn, buồn nôn, mắt đỏ hoặc vàng, tiểu tiện đỏ hoặc vàng, rêu lưỡi vàng nhợt, mạch huyền hoạt;
  • Đau thần kinh liên sườn thể Can âm bất túc: sườn đau âm ỉ, đau dai dẳng không dứt, miệng khô, môi khô, trong tâm phiền nhiệt, đầu mắt choáng váng, mắt nhìn không rõ, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch huyền tế sác.

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

1. Nguyên nhân
Theo Y học hiện đại |YHHĐ|

  • Do thoái hóa cột sống: thường gặp ở người cao tuổi, tính chất khu trú thường không rõ ràng. Tính chất đau là ê ẩm, không cấp tính, kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn vào điểm cạnh sống hai bên (cách chính giữa cột sống 2-3cm) bệnh nhân thấy tức nhẹ và dễ chịu;
  • Do lao cột sống hoặc ung thư cột sống: thường gặp ở những người tuổi trung niên trở lên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương. Tính chất đau là đau chói cả hai bên sườn, có khi đau như đánh đai, như bó chặt lấy ngực hoặc bụng bệnh nhân, dễ chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc dạ dày. Ấn cột sống sẽ có điểm đau chói, bệnh nhân đau liên tục suốt ngày đêm, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động. Bệnh nhân có các triệu chứng toàn thân nặng như hội chứng nhiễm độc lao (sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân…). Có thể thấy biến dạng cột sống nếu ở giai đoạn nặng…;
  • Do bệnh lý tủy sống: đau dây thần kinh liên sườn thường là triệu chứng sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Tính chất của nó thường đau một bên, khu trú rõ, đau kiểu đánh đai ở một bên sườn. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng;
  • Do chấn thương cột sống: phải có yếu tố chấn thương;
  • Đau dây thần kinh liên sườn ở các bệnh lý cột sống, tủy sống thường là các triệu chứng sớm nên nếu được phát hiện sẽ có giá trị chẩn đoán sớm các bệnh lý trên. Nếu ở giai đoạn muộn thì đau dây thần kinh liên sườn chỉ là triệu chứng phụ. Bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, người ta có thể phát hiện được sớm các bệnh lý cột sống, tủy sống;
  • Đau dây thần kinh liên sườn do nhiễm khuẩn: hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona với biểu hiện qua 2 giai đoạn: giai đoạn cấp thường khởi phát bằng đau rát một mảng sườn, sau một, hai ngày thấy đỏ da, xuất hiện các mụn nước và xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thấy ngứa và đau rát như bỏng, rất khó chịu, bệnh nhân không dám để cho vùng tổn thương tiếp xúc với quần áo, sờ mó có thể có sốt, mệt mỏi. Sau khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo và chuyển sang giai đoạn di chứng. Bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi;
  • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: một số tác giả cho là do lạnh hoặc do vận động sai tư – thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân xuất hiện đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống – bả vai, có thể đau một hoặc hai bên, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước, đau âm ỉ cả ngày và đêm, đau khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Bệnh nhân đau tăng thường nhầm với bệnh lý của phổi. Ấn vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt bệnh nhân thấy đau tức, đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Các xét nghiệm cho kết quả bình thường.
  • Các nguyên nhân khác như đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh ít gặp tổn thương dây thần kinh liên sườn.

Theo Y học cổ truền |YHCT|:

  • Tuệ Tĩnh cho rằng: “Nội nhân là do giận dữ, bi ai, cảm xúc, đói no, lạnh nóng không đều, té ngã, đàm tích đọng vào sườn cùng kết hợp với huyết ứ mà thành đau, ngoại nhân là do tà khí cảm vào kinh thiếu dương như tai điếc, sườn đau là do phong hàn cảm vào mà thành đau” (Nam dược thần hiệu);
  • Giận dữ, bi ai làm cho Can khí rối loạn dễ gây khí trệ. Đói no cũng ảnh hưởng đến sự vận chuyển của khí cơ gây khí trệ;
  • Khí trệ làm huyết vận hành kém, dần dần gây nên huyết ứ. Khi có huyết ứ thường có cả khi trệ, chấn thương cũng gây ra huyết ứ và từ đó sinh đau;
  • Đàm ẩm lưu trú ở cạnh sườn cũng gây hiếp thống;
  • Phong tà thương phế, khí cơ không giáng làm can khí hoành nghịch, mạch lạc của can đởm mất hòa giáng gây đau;
  • Thấp nhiệt ở trung tiêu ôn kết tại can đởm làm can đởm sơ tiết mất điều đạt gây đau;
  • Can hư, huyết táo làm can mạch không được nuôi dưỡng tốt cũng có thể gây đau sườn.

2. Hậu quả

Đau dây thần kinh liên sườn thường không nguy hiểm; thường gây đau, khó chịu cho bệnh nhân khi mắc phải nhưng dễ điều trị bằng các loại thuốc giảm đau thông dụng.Tuy nhiên đây lại là triệu chứng của nhiều bệnh. Nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn sẽ kèm theo nguy hiểm của nhiều nguyên nhân. Bởi vậy nó có thể gây nguy hiểm sức khỏe cho con người bắt nguồn từ chính những nguyên nhân gây bệnh này.

ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

1. Điều trị
Điều trị theo Y học cổ truyền |YHCT|

  • Đau thần kinh liên sườn do lạnh
    + Pháp điều trị: Hòa giải thiếu dương;
    +Bài thuốc: “Tiểu sài hồ thang gia giảm
    + Châm cứu: A thị huyệt vùng rễ thần kinh xuất phát. Nội quan, Dương lăng tuyền, Kỳ môn, Can du, đởm du….
  • Đau thần kinh liên sườn thể Can khí uất nghịch
    + Pháp điều trị: Sơ can lý khí;
    + Bài thuốc: “Tiêu dao tán” gia giảm
    + Châm cứu: Châm tả: A thị huyệt, Dương lăng tuyền, Hành gian; Châm bình: Nội quan .
  • Đau thần kinh liên sườn thể  Đàm ẩm lưu trú
    + Pháp điều trị: Lý khí, hóa đàm, thông lạc;
    + Bài thuốc: “Hương phụ, tuyền phúc hoa thang
    Châm cứu: Châm tả, cứu: A thị huyệt, Kỳ môn; Châm bình: Trung quản, Nội quan, Phong long.
  • Đau thần kinh liên sườn thể  Huyết ứ
    + Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ;
    + Bài thuốc cổ phương: “Huyết phủ trục ứ thang”
    + Dùng thuốc ngoài: Nếu do chấn thương huyết ứ dùng hạt gấc mài với dấm bôi vào chỗ ứ huyết để làm tan huyết ứ.
    Châm cứu: Châm tả: A thị huyệt; Châm bình: Huyết hải, Nội quan, Cách du, Dương lăng tuyền.
  • Đau thần kinh liên sườn thể  Can đởm thấp nhiệt
    + Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp;
    + Bài thuốc: “Long đởm tả can thang”;
    + Châm cứu: Châm tả: A thị huyệt; Châm bình: Phong long, Túc tam lý, Dương lăng tuyền;
  • Đau thần kinh liên sườn thể  Can âm bất túc
    + Pháp điều trị: Tư âm dưỡng can (bổ huyết);
    + Bài thuốc: “Nhất quán tiễn”
    + Châm cứu: Châm tả: A thị huyệt; Châm bổ: Can du, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao

Điều trị theo YHHĐ: Trước hết cần điều trị nguyên nhân gây đau.
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát có thể tham khảo phác đồ sau:

  • Thuốc giảm đau thông thường như như paracetamol, diclofenac… Cần thận trọng dùng paracetamol cho người có tiền sử bệnh lý gan, nghiện rượu… Diclofenac không dùng cho người có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng.Thuốc uống sau bữa ăn, chia làm 2- 3 lần trong ngày;
  • Thuốc điều trị đau thần kinh: nhóm gabapentin. Thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể dùng kéo dài vài tháng;
  • Thuốc giãn cơ vân: myonal, mydocalm… chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Nên dùng liều thấp, sau bữa ăn, thận trọng cho người có bệnh lý dạ dày – tá tràng, trẻ em và người già (do hệ thống cơ vân yếu).Không dùng cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ;
  • Vitamin nhóm B: B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Tuy nhiên cũng nên dùng theo chỉ định của thầy thuốc, không nên coi nó là thuốc bổ mà lạm dụng.

Điều trị đau thần kinh liên sườn do zona

  • Giai đoạn cấp:
    + Bôi tại chỗ hồ nước, xanh methylen. Không được sử dụng các thuốc mỡ bôi lên vùng tổn thương;
    + Thuốc kháng virut: acyclovir viên 0,2g dùng 5 – 7 ngày. Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú;
    + Thuốc điều trị đau thần kinh: nhóm gabapentin;
    + Thuốc kháng histamin: có tác dụng giảm phù nề tại vùng tổn thương. Tuy nhiên cũng có tác dụng an thần nhẹ, nên chỉ dùng vào buổi trưa và tối. Thận trọng dùng đối với người điều khiển phương tiện giao thông;
    + Vitamin nhóm B: B1, B6,;
    + An thần: dùng khi đau nhiều gây mất ngủ, thường dùng các thuốc an thần nhẹ như rotunda, rotundin…

Giai đoạn di chứng:
+ Thuốc điều trị đau thần kinh: nhóm gabapentin;
+ Vitamin nhóm B: B1, B6, B12;
+ An thần.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, cần vận động đúng tư thế, không chơi thể thao quá sức. Khi mắc các bệnh, cần điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần tránh chấn thương, không lạm dụng thuốc corticoid.

Khi phát hiện sớm có các biểu hiện nghi ngờ như: đau tức ngực, đau mạng sườn, cần đến bác sĩ để được khám và xác định nguyên nhân. Ngoài ra, hàng ngày cần ăn uống đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: bổ sung đầy đủ chất đạm, đường, béo, hoa quả chín… nhằm giảm nguy cơ loãng xương để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.