Cong-vẹo-Cột-sống-1-300x300Cong vẹo cột sống là trình trạng cong của cột sống theo mặt phẳng trán và vẹo xoay của các thân đốt sống theo mặt phẳng ngang;

Cong vẹo cột sống chia làm 2 nhóm chính: i) cong vẹo cột sống không cấu trúc và ii) cong vẹo cột sống cấu trúc;
– Cong vẹo không cấu trúc là cong vẹo cột sống mà các đốt sống không có biến dạng về giải phẫu;
– Cong vẹo cấu trúc là vẹo cột sống với các đốt sống bị biến dạng ở đường cong của cột sống.

 

 

 

 

 

 

TRIỆU CHỨNG

  1. Vẹo cột sống không cấu trúc: Quan sát ở tư thế đứng, cột sống bị vẹo nhưng các đốt sống không bị biến đổi cấu trúc và không bị xoay;
  2. Vẹo cột sống cấu trúc:
    Quan sát tư thế đứng:
  • Cơ thể bị nghiêng sang một bên;
  • Hai vai nghiêng và không đồng đều nhau, với một bả vai nhô ra hơn so với bên kia;
  • Lồi xương sườn ở một bên;
  • Vòng eo không đồng đều;
  • Một bên hông cao hơn;
  • Tam giác eo lưng không cân đối;
  • Tư thế cúi gập người về phía trước: sự xoắn vặn của cột sống ( bướu sườn);
  • Trong một số trường hợp, vẹo cột sống có thể có vấn đề với tủy sống hoặc dây thần kinh làm cho bị yếu cơ hoặc teo cơ, tê hoặc mất phối hợp tay chân.

 

NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ

1. Nguyên nhân

Cong vẹo cột sống không cấu trúc:

  • Độ dài hai chân không bằng nhau;
  • Tư thế bị lệch do thói quen khi ngồi;
  • Thoát vị đĩa đệm;
  • Viêm cơ thắt lưng – chậu.

Cong vẹo cột sống cấu trúc:
Trước tuổi xương ngừng lớn, thường kèm theo xoay cột sống:

  • Vẹo tự phát;
  • Vẹo do liệt;
  • Vẹo bẩm sinh;
  • Vẹo trong một số bênh: u xơ thần kinh, bệnh tay vượn, bệnh rỗng tủy sống, bệnh thoát vị tủy – màng tủy, bệnh lao xương cột sống.

Sau tuổi xương ngừng phát triển:

  • Gẫy lún một bên thân sống;
  • Lao với lún một bên thân sống;
  • Bệnh khớp thoái hóa;
  • Chứng loãng xương.

Hậu quả

  • Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này;
  • Cong vẹo cột sống khiến ngoại hình mất cân đối, ảnh hưởng xấu đến tâm lý người bệnh, hạn chế hoạt động xã hội;
  • Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng; hạn chế vận động của hệ thống cơ xương;
  • Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình:
  • Lồng ngực sẽ bị lép do xương sườn xẹp, chèn ép như tim, phổi. Phổi bị xẹp, giảm dung tích phổi, hạn chế sức thở gây suy hô hấp, dẫn đến suy tim, phù, khó thở;
  • Biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ của trẻ em nữ khi trưởng thành.

 

ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH

1. Điều trị

Điều trị nội khoa:

Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong điều trị cong vẹo cột sống: vật lý trị liệu giúp kéo giãn các cơ co rút và làm mạnh cơ, tập thở và tư thế đúng trong sinh hoạt và học tập để bệnh không tiến triển nhanh hơn

Người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Tích cực thay đổi các điều kiện ăn uống, sinh hoạt để giảm tải lên cột sống, làm vững mạnh cột sống và nắn chỉnh cột sống phù hợp.

  • Xoa bóp bấm huyệt:
    – Dùng các thủ thuật xoa, xát, day, miết, phân hợp, đấm, vỗ, phát, bật, rung, điểm, bấm,.. vùng cột sống bị vẹo để nhằm các mục đích;
    – Làm mềm cơ, dây chằng vùng cột sống bên lõm;
    – Làm tăng sức mạnh cơ bên lệch;
    – Tạo đà thuận cho cột sống trở về vị trí bình thường.
  • Châm cứu:
    – Châm bổ các huyệt: Thận du, mệnh môn, quan nguyên, khí hải, tuyệt cốt, dương lăng tuyền, đại trữ, …
    – Châm tả các huyệt: giáp tích, a thị huyệt,…
    – Liệu trình: 25 – 30 phút / lần, ngày 1 lần
  • Chườm ngải – cứu ngải – xông thuốc tập trung nơi cong vẹo;
    – Tác dụng: làm tăng cường chuyển hóa, dinh dưỡng, lưu thông khí huyết, thư cân giải cơ;
    – Thời gian: 30 phút/ ngày
  • Tập luyện:
    – Hướng dẫn tư thế đúng;
    – Làm mạnh các cơ cơ bụng và cơ duỗi thân;
    – Làm dài các cấu trúc bên lõm của đường cong;
    – Làm mạnh các cơ bên lồi của đường cong;
    – Các bài tập hit thở sâu để cải thiện chức năng hô hấp
  • Kéo dãn cột sống:
    – Kéo dãn các cơ gấp háng khi bị co rút;
    – Kéo dãn:
    – Kéo cột sống bằng trọng lực của bệnh nhân trên bàn dốc;
    – Kéo cột sống bằng tạ và máy kéo;
    – Liệu trình: 20 phút / lần, 1 – 2 lần trên ngày, Trọng lượng kéo không quá 2/3 cơ thể
  • Nhiệt trị liệu: Dùng nhiệt nông như hồng ngoại, parafin, túi chườm …, nhiệt sâu như: Siêu âm tác động vào vùng cột sống cong vẹo nhằm giảm đau, tăng chuyển hóa, mềm gân cơ dây chằng cột sống.
    – Thời gian: 20 – 30 phút /lần, 1 – 2 lần / ngày
  • Áo nẹp chỉnh hình:
    – Chỉ định: Vẹo cột sống từ 20 độ – 50 độ, đang tiến triển và xương chưa hết tuổi trưởng thành;
    – Một số loại áo nẹp: Milwaukee, Chêneau, Boston;
    – Trẻ phải đeo áo nẹp 24/24 giờ trong ngày, chỉ tháo ra khi tập luyện, khi tắm. Cần vệ sinh áo nẹp thường xuyên và mỗi 3 tháng phải đưa trẻ đi khám để được thay áp nẹp phù hợp.

Điều trị ngoại khoa
Chỉ định khi

  • Góc vẹo > 20 độ và tiến triển xấu đi;
  • Góc vẹo > 40 độ;
  • Vẹo cột sống ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan khác.

Phòng bệnh

  • Chế độ ăn uống, tắm nắng: Phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn đủ protein, chất khoáng và vitamin. Trẻ em cần được hoạt động vui chơi ngoài trời, tắm nắng thường xuyên, khoảng 20 phút/ngày, từ 6-8h sáng và 4-6h chiều. Tắm nắng thường xuyên có thể tạo ra tới 80% nhu cầu vitamin D của cơ thể, giúp cho xương chắc khỏe.
  • Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao thường xuyên nhằm tăng sức mạnh khối cơ, các tổ chức liên kết, dây chằng, khớp, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.
  • Chế độ sinh hoạt: tạo cho trẻ tư thế ngồi học ngay ngắn, ở nơi có đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi, chiều cao của trẻ. Chiều rộng của mặt ghế nên rộng hơn xương chậu 10cm, chiều sâu bằng 2/3 chiều dài của đùi, chiều cao bằng chiều cao của cẳng chân cộng với chiều cao của bàn chân và dép. Khoảng cách từ lưng ghế đến mép bàn phải lớn hơn đường kính trước sau của lồng ngực 3-5cm để trẻ có thể tựa lưng vào ghế
  • Trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể, đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.
  • Tránh bắt trẻ phải lao động nặng sớm, nhất là gánh, xách hay đội nặng, lao động và tập luyện vừa sức và cân đối với tuổi. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh lao, bại liệt…;
  • Khi phát hiện trẻ bị cong vẹo cột sống, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa khớp hay chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng để thăm khám. Đến khám càng sớm, cơ hội cứu chữa càng cao, chi phí điều trị cũng ít tốn kém.