1. Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: Bong gân là thương tổn dây chằng và bao khớp do chấn thương hoặc do cử động quá mức, không kèm theo sai khớp, bán sai khớp hay gãy xương.
2. Theo Y học cổ truyền |YHCT|: Bong gân thuộc chứng “Nỉu thương” của YHCT: Nỉu là xoay vặn, thương là bệnh, vì xoay vặn cơ khớp làm tổn thương kinh lạc cân cơ, khí cơ tắc trở gây đau yếu nặng, huyết trệ gây sưng nóng đỏ.
TRIỆU CHỨNG
- Đau chói ngay sau khi chấn thương, khi ấn phía bên ngoài cổ chân, ngay dưới mắt cá ngoài;
- Hạn chế vận động khớp;
- Khi lật ngửa bàn chân vào trong (cùng chiều với cơ chế chấn thương) sẽ thấy đau nhói ở phía ngoài cổ chân, thấy cổ chân toác ra nhiều hơn so với vận động được thực hiện ở cổ chân bên kia;
- Sưng nề , bầm tím;
- Chụp X-Quang ở tư thế giữ toác cổ chân sẽ thấy phần khe khớp phía ngoài toác rộng hơn so với khớp đối diện, không có gãy xương.
NGUYÊN NHÂN – HẬU QUẢ
1. Nguyên nhân
- Theo Y học hiện đại |YHHĐ|: do động tác trái tư thế, đột ngột quá mạnh hoặc động tác gò bó kéo dài gây nên. Ví dụ: Bước hụt, vận động sai tư thế, đột ngột hoặc mạnh, hoặc xách nặng, đi guốc cao gót hoặc trẹo chân do đá bóng…
- Theo Y học cổ truyền |YHCT|: do tác động gián tiếp của các động tác hoặc ngoại lực gây nên khí trệ tại chỗ nên đau; sau đó huyết ứ gây sưng nóng đỏ, thấp trệ gây nề.
2. Hậu quả:
- Tổn thương dây chằng không chỉ gây ra những rối loạn của bản thân nó mà còn gây ra những rối loạn phản xạ thần kinh có thể dẫn tới những thương tổn thứ phát ở tất cả các tổ chức khác của khớp;
- Các loại bong gân độ 2 và nhất là độ 3 nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ để lại di chứng dai dẳng đau nhức, hạn chế vận động khớp và sưng nề bao khớp kéo dài. Đó là chứng viêm bao khớp vô khuẩn mạn tính sau chấn thương do dây chằng liền bằng mô liên kết lỏng lẻo không chịu đựng được sức co kéo bình thường;
- Với bong gân độ 3 dây chằng sẽ kéo dài hơn bình thường gây di chứng lỏng khớp mạn tính, khớp hoạt động yếu không vững chắc, lâu dần sụn mặt khớp bị mài mòn gây nên chứng hư khớp, các gai xương phát triển dần dần hạn chế vận động khớp và gây đau đớn.
ĐIỀU TRỊ – PHÒNG BỆNH
1. Điều trị
Xử lý ngay sau khi chấn thương (Giai đoạn cấp).
- Hạn chế sưng nề tối đa tại vùng chấn thương: có thể dùng băng thun để băng ép vùng bong gân, nếu bên trong có đệm mút thì càng tốt, giữ băng ít nhất 48 giờ;
- Chườm lạnh ngoài băng trong suốt 4 giờ đầu tiên theo mức độ cứ cách 20-30 phút chườm một lần, có tác dụng giảm đau và gây co mạch làm ngưng chảy máu và hạn chế phù nề;
- Giữ chi bị bong gân bất động ở tư thế kê cao ngọn chi, thời gian và mức độ tuỳ thuộc mức độ tổn thương.
- Dùng thuốc giảm đau, chống phù nề;
- Chống chỉ định:
- Không được xoa bóp hoặc chườm nóng (kể cả dầu nóng) vùng bong gân ít nhất trong vòng 48-72 giờ đầu tiên, tuy có tác dụng giảm đau nhưng làm giãn mạch nên có thể gây chảy máu tiếp và tăng mức độ sưng nề;
- Không uống rượu trong thời gian này vì rượu cũng gây giãn mạch giống như chườm nóng;
- Không tiêm bất kỳ thuốc gì kể cả thuốc tê vì gây tăng sưng nề do khối lượng thuốc tiêm.
Giai đoạn bán cấp:
- Đối với bong gân độ 1 chỉ cần bất động khớp như trên trong 2-3 ngày khi hết đau là có thể tập vận động khớp;
- Điều trị bảo tồn đối với bong gân độ 2-3 quan trọng nhất là cố định khớp bằng nẹp bột trong khoảng 6-8 tuần. Trong thời gian băng bột bệnh nhân nên tập lên gân các cơ bị bất động và tập vận động các khớp không bị cố định;
- Sau thời gian băng bột, cho bệnh nhân tập vận động khớp nhẹ nhàng không gây đau, tập tăng dần từ nhẹ đến mạnh, chú ý tập tăng lực cả các cơ quanh khớp;
- Xoa nắn, bấm huyệt trị liệu cùng cổ chân nhẹ nhàng, làm tăng sự cung cấp máu đến khớp xương, dây chằng và bao khớp, làm tăng quá trình hình thành hoạt dịch và luôn luôn giữ vững tính đàn hồi của dây chằng;
- Bật gân: dùng ngón cái bật như kiểu bật dây đàn, làm 2-3 lần vào nơi có co thắt cơ hoặc dây chằng vùng đau..
- Kéo giãn: kéo từ từ theo hướng sinh lý, lực vừa phải, bệnh nhân cảm giác dễ chịu, giữ 1-2 phút, sau đó làm động tác trả lại (ngược lại) hướng động tác gây tổn thương;
- Nhiệt trị liệu: Hồng ngoại, xông thuốc, cứu ngải…giúp thư cân giãn cơ, tăng cường lưu thông khí huyết, chỉ thống;
- Châm cứu :Châm tả các huyệt A thị, huyền chung, thái xung, tam âm giao;
- Thuỷ châm: dùng các thuốc giảm đau hoặc giảm đau chống viêm của y học hiện đại tiêm vào các huyệt huyền chung, tam âm giao
Điều trị thuốc YHCT: là do khí trệ huyết ứ:
- Pháp điều trị: hoạt huyết, hành khí, thư cân, thông kinh, chỉ thống;
- Thuốc dùng ngoài: Đắp cao thống nhất. Vỏ cây gạo vừa đủ giã nát sao với rượu, ngày đắp 1 lần. Lá náng hơ nóng đắp vào nơi tổn thương. Mật gấu hòa với rượu bôi.
- Thuốc uống: Huyết giác, tô mộc, uất kim, ngải cứu…..
Điều trị phẫu thuật. Cách điều trị tốt nhất đối với bong gân độ 3 khi dây chằng bị đứt hoàn toàn là phẫu thuật khâu áp khít hai đầu đứt rồi bất động vùng tổn thương 4-6 tuần, sau đó cho tập vận động sớm có kiểm soát với mức độ tăng dần. Điều trị phẫu thuật được chỉ định phổ biến đối với bệnh nhân là vận động viên thể thao dưới 40 tuổi và thường được tiến hành vào tuần lễ thứ 3 sau chấn thương, khi máu tụ và phù nề đã hết sẽ cho kết quả tốt.
Phòng bệnh
- Hạn chế các chấn thương trong sinh hoạt và lao động: Đi giày vừa vặn, chọn giày phù hợp cho mỗi hoàn cảnh, hạn chế sử dụng giầy cao gót;
- Tập thể dục hàng ngày. Thường xuyên vận động khớp để tăng sức bền bỉ và thích nghi với những động tác nhanh…;
- Tránh tập luyện hoặc chơi thể thao khi đang mệt hoặc bị đau và nên chuẩn bị tình trạng thể chất thích hợp để chơi thể thao;
- Khởi động và co duỗi trước khi chơi thể thao;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Có chế độ ăn uống cân bằng để giữ cơ chắc khỏe.