Chứng cảm sốt (cảm mạo) lúc nóng lúc lạnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Người bệnh bị cảm sốt vài ngày, sốt lui mà lúc nóng lúc lạnh, “hàn nhiệt vãng lai”, đại tiện táo, ngực sườn đầy tức, có khi nôn, bụng đầy đau, rêu lưỡi vàng. Đây thuộc chứng ngoại tà bán biểu bán lý trong y học cổ truyền.
Chứng cảm sốt (cảm mạo) lúc nóng lúc lạnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Người bệnh bị cảm sốt vài ngày, sốt lui mà lúc nóng lúc lạnh, “hàn nhiệt vãng lai”, đại tiện táo, ngực sườn đầy tức, có khi nôn, bụng đầy đau, rêu lưỡi vàng. Đây thuộc chứng ngoại tà bán biểu bán lý trong y học cổ truyền.
Nguyên nhân do ngoại tà nhập vào bán biểu bán lý làm cơ thể không thể phát hãn cho ra mồ hôi và cũng không thể xổ cho đi ngoài. Dùng phép hòa giải thiếu dương, tả hạ nhiệt kết… Dưới đây là bài thuốc thường dùng phòng trị chữa chứng này.
Nếu cảm sốt lúc nóng lúc lạnh, đại tiện táo
Dùng bài Đại sài hồ thang (Kim quỹ yếu lược) gia giảm gồm: sài hồ 12g, đại hoàng 8g, bán hạ 12g, sinh khương 16g, hoàng cầm 12g, chỉ thực 12g, bạch thược 12g, đại táo 12g. Sắc uống. Trẻ em dùng liều 1/2 hoặc 1/3 người lớn. Tác dụng: hòa giải thiếu dương, tả hạ nhiệt kết… Trị chứng hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, nôn khó, bụng trên đầy đau, đại tiện nhiệt táo kết, rêu lưỡi vàng, thuộc chứng thực nhiệt.
Sài hồ và đại hoàng là 2 vị thuốc trong “Đại sài hồ thang” trị cảm mạo lúc nóng lúc lạnh, đại tiện táo.
Gia giảm: Nếu bụng trên đầy đau, gia qua lâu bì để thanh nhiệt hành khí; sốt nổi mụn do nhiệt tam tiêu, gia chi tử 12g, kim ngân hoa 10g; đi tiểu vàng đậm do thấp nhiệt, gia nhân trần 14g, rễ cỏ tranh 14g.
Kiêng kỵ: mới bị cảm sốt, tỳ vị hư hàn đại tiện lỏng, tay chân lạnh nhiều không dùng.
Nếu uống bài trên, hết táo bón nhưng còn đau thượng vị
Dùng bài Tiểu sài hồ thang (Thương hàn luận) gồm: sài hồ 16g, hoàng cầm 12g, bán hạ 12g, đảng sâm 12g, sinh khương 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, bạc hà 12g. Sắc uống. Trẻ em dùng 1/2 hoặc 1/3 liều người lớn. Tác dụng: hòa giải thiếu thương, sơ can lý tỳ, điều hòa tỳ vị… Trị chứng cảm sốt bán biểu bán lý, người nóng lạnh đau thượng vị, còn trị các chứng can tỳ hư ǎn uống không ngon miệng, buồn nôn, viêm dạ dày.
Gia giảm: nếu sốt nhiều âm hư, gia sinh địa 20g, đơn bì 14g; lạnh nhiều, gia quế tâm 10g; táo bón ho, gia hạnh nhân 12g, mạch môn 14g; bụng đầy đau, gia hương phụ 12g, trần bì 12g, chỉ xác 8g.
Kiêng kỵ: mới bị cảm sốt, chứng cảm lạnh ho đàm nhiều, nghẹt mũi, sổ mũi không dùng.
Nếu cảm sốt nóng lạnh mà miệng đắng
Dùng bài Sài hồ sơ can tán (Trương Cảnh Nhạc) gia vị: sài hồ 12g, hương phụ 10g, chích thảo 6g, bạch thược 16g, chỉ xác 10g, trần bì 12g, xuyên khung 12g, bạc hà 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, sinh khương 12g. Sắc uống. Trẻ em dùng liều 1/2 hoặc 1/3 người lớn. Tác dụng: sơ can, giải uất, lý khí, điều hòa biểu lý, chỉ thống… Trị nội khí thương can, bụng trên đầy trướng, vùng thượng vị đau, ợ hơi, ợ chua kèm chứng ngoại cảm, hàn nhiệt vãng lai.
Gia giảm: nếu ăn kém, tỳ hư, gia đảng sâm 14g, bạch truật 12g; nếu huyết hư, gia đương quy 12g, xuyên khung 12g; nếu nóng trong, gia hoàng cầm 12g; nếu ho khan, táo bón, gia hạnh nhân 12g; miệng khô khát, gia thiên hoa phấn 12g, mạch môn 12g.
Kiêng kỵ: người bị cảm phong hàn mới nhiễm ớn lạnh nghẹt mũi, sổ mũi không dùng.
Lương y Phan Thị Thạnh
Theo Sức khỏe và Đời Sống